Amazon kiểm soát ít nhất 50% thị phần bán lẻ trực tuyến Mỹ
Trong báo cáo dài hơn 400 trang được công bố ngày 6/10, Lãnh đạo Tiểu ban Tư pháp Hạ viện Mỹ cho biết Amzon có sức mạnh to lớn và lâu dài trong thị trường bán lẻ trực tuyến của Mỹ, với thị phần cao hơn nhiều so với những ước tính trước đây. Thậm chí, Amazon còn được coi là lực lượng thống trị thị trường bán lẻ trực tuyến đến mức có thể độc quyền với người bán và các nhà cung cấp.
Trước vấn đề này, báo cáo cũng đề cập một số biện pháp khắc phục, bao gồm chia tách các đơn vị kinh doanh khác nhau và buộc công ty phải chứng minh các thương vụ sáp nhập sẽ mang đến sự cạnh tranh cao hơn trước khi cho phép chúng diễn ra.
Tiểu ban Tư pháp Hạ viện về chống độc quyền cũng cho rằng Amazon có khả năng kiểm soát tới 50% hoặc hơn thị phần của bán lẻ trực tuyến Mỹ, cao hơn nhiều so với ước tính 38% của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer đưa ra.
Các nhà lập pháp cũng nhận thấy Amazon kìm hãm sự cạnh tranh trong các lĩnh vực khác ngoài bán lẻ. Họ kết luận rằng vai trò của Amazon với tư các là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và sức mạnh của nó ở các thị trường khác tạo ra xung đột lợi ích rằng "Amazon có động cơ và khả năng khai thác dữ liệu" để phục vụ mình.
Ngoài ra, các nhà lập pháp Mỹ cũng nhận thấy Amazon áp đặt các rào cản đối với các nhà sản xuất thiết bị trợ lý giọng nói khác bằng cách bán những thiết bị Alexa với mức giá thấp hơn giá bán bên ngoài.
Amazon cũng vận hành hơn 150 trung tâm, bao gồm phân loại và giao hàng cùng một mạng lưới khổng lồ gồm máy bay, xe tải và các tài xế giao hàng hợp đồng. Sự kết hợp này cho phép Amazon vận tải với tốc độ nhanh, số lượng hàng lớn, sánh ngang các công ty giao hàng như UPS và FedEx. Tuy nhiên, nó cũng là rào cản với các đối thủ muốn tiếp cận dịch vụ của Amazon.
Các nhà lập pháp Mỹ nhận định: "Chi phí lớn liên quan đến việc xây dựng một mạng lưới hậu cần có quy mô tương tự những gì Amazon đã xây dụng khiến họ khó có đối thủ cạnh tranh".
Những cáo buộc bắt nạn được xác nhận
Một nhà đầu tư mạo hiểm giấu tên trên thị trường điện toán đám mây nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng: "Tôi coi Amazon như mặt trời. Nó hữu ích nhưng cũng vô cùng nguy hiểm. Nếu bạn ở đủ xa, bạn có thể tắm nắng. Nhưng nếu bạn đến quá gần, bạn sẽ bị thiêu hủy. Vì vậy, bạn phải ở cách Amazon đủ xa và làm điều gì đó mà họ sẽ không làm. Miễn là Amazon không muốn làm cái bạn đang làm".
Các nhà lập pháp cũng tìm thấy bằng chứng trực tiếp cho thấy Amazon xem Zappos và Quidsi là "mối đe dọa cạnh tranh trước khi mua lại chúng". Trước khi Amazon mua lại Zappos vào năm 2009, hãng này đã gọi nhà bán lẻ giày trực tuyến là một trong những "đối thủ cạnh tranh chính" của mình. Mua Quidsi, Amazon cũng bóp chết công ty con Diapers.com vì nó là đối thủ cạnh tranh.
Người bán hàng trên Amazon cũng tố cáo hành vi bắt nạt. Thực tế, những người bán lẻ này chiếm tới hơn một nửa trong doanh số bán hàng tổng thể của Amazon. Nhưng đây cũng là trọng tâm của các nhà điều tra chống độc quyền của Mỹ và nước ngoài. Họ tin rằng Amazon sử dụng sức mạnh để chèn ép các nhà bán lẻ trên nền tảng của mình.
Các nhà lập pháp kết luận rằng vai trò kép của Amazon là bán sảm phẩm trên trang web của mình và điều hành thị trường cho người bán là bên thứ 3. Chính điều này "tạo ra những xung đột lợi ích cố hữu", khuyến khích Amazon khai thác quyền truy cập vào dữ liệu và thông tin của người bán, vốn là đối thủ cạnh tranh của mình.
Thậm chí, báo cáo của Tiểu ban Tư pháp Hạ viện về chống độc quyền cũng nói rằng Amazon công khai mô tả những người bán lẻ trên nền tảng của mình là "đối tác" nhưng "đằng sau cánh cửa đóng kín, công ty gọi họ là những đối thủ cạnh tranh nội bộ". Những người bán hàng trên Amazon mô tả một môi trường "bắt nạt" trong đó họ luôn chịu sức ép về tài chính đi kèm với nguy cơ tạm ngưng tài khoản bán hàng hoặc hủy gian hàng khiến họ "sống trong nỗi sợ hãi".
Thậm chí, những người bán hàng cũng cáo buộc rằng họ bị bỏ rơi mà không thể lấy lại được bất cứ số tiền nào trong tài khoản bán hàng của mình khi nó bị đóng. Khiếu lại với Amazon, họ thường đối mặt với "dịch vụ chăm sóc khác hàng tồi tệ", đến mức họ gửi thư điện tử cho CEO Jeff Bezos để phàn nàn về trường hợp của mình.
Thậm chí, Amazon còn có khả năng tự giải quyết các tranh chấp của mình với các đối tác. Điều này khiến nhiều người lo lắng về một phiên tòa được mở trên Amazon chứ không phải tòa án.
Với các nhà cung ứng, Amazon cũng tận dụng triệt để sức mạnh của mình để đạt được những điều khoản có lợi. Thậm chí, những công ty không tên tuổi phải chịu sức ép này lớn hơn rất nhiều. Họ thường xuyên bị dọa xóa sổ khỏi nền tảng của Amazon trong các cuộc đàm phán thương lượng các điều khoản.
Tuy nhiên, Amazon đã phản bác báo cáo của các nhà lập pháp Mỹ, nói rằng những khuyến nghị này khiến họ giảm khả năng cạnh tranh, buộc "hàng triệu nhà bán lẻ độc lập rời khỏi các cửa hàng trực tuyến" và dẫn đến việc người tiêu dụng ít có lựa chọn hơn và giá sản phẩm cao hơn.
"Tất cả các tổ chức lớn đều bị các cơ quan quản lý để mắt và chúng tôi hoan nghênh sự giám sát đó. Nhưng các công ty lớn không thống trị và giả định rằng thành công chỉ có thể là kết quả của các hành vi độc quyền là sai lầm", Amazon cho biết.