Vào thế kỷ 19, khi đặt chân đến Đông Dương, người Pháp đã quy hoạch Hà Nội thành trung tâm hành chính, văn hóa, kinh tế lớn. Bởi vậy, rất nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng một cách bài bản, quy mô và vẫn còn nguyên giá trị cũng như vẻ đẹp cho đến ngày nay như Cầu Long Biên, Nhà hát lớn, Đại học Dược, Phủ Chủ tịch…
Không những vậy, người Pháp còn đặt nền móng cho ngành công nghiệp Hà Nội khi thành lập nên nhiều doanh nghiệp lớn và vẫn đang hoạt động cho tới ngày nay, tiêu biểu có thể kể tới Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) hay CTCP Cồn Rượu Hà Nội (Halico).
Tiền thân là nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890, trải qua hơn 100 năm lịch sử phát triển, Habeco vẫn giữ vị thế là doanh nghiệp bia hàng đầu Việt Nam với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Những sản phẩm làm nên tên tuổi Habeco có thể kể tới như Bia Hà Nội, Bia Trúc Bạch và đặc biệt là phân khúc bia hơi bình dân.
Nhà máy bia Hommel, tiền thân của Habeco ngày nay
Cùng với nhà máy bia, người Pháp cũng xây dựng nhà máy rượu tại Hà Nội từ năm 1898 với tên gọi ban đầu là Fontaine, đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ. Sau nhiều thăng trầm lịch sử, nhà máy rượu năm xưa đã đổi tên thành Halico và những sản phẩm như lúa mới, nếp mới hay Vodka Hà Nội đã tạo nên thương hiệu cho công ty.
Tuột dốc sau cái bắt tay với người khổng lồ
Là những cái tên "số má" trong thị trường đồ uống có cồn tại Việt Nam, không bất ngờ khi Habeco, Halico nhận được sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phần hóa.
Năm 2008, Habeco tiến hành cổ phần hóa và Carlsberg được lựa chọn làm nhà đầu tư chiến lược nắm giữ hơn 17% cổ phần. Việc có một "đại gia" ngành bia trên Thế giới trở thành cổ đông lớn khi đó được kỳ vọng là bàn đạp cho Habeco thăng hoa nhờ tận dụng được kinh nghiệm quản trị, thị trường cũng như công nghệ từ Carlsberg.
Những năm đầu sau cái bắt tay, kết quả kinh doanh Habeco cũng được cải thiện với đỉnh cao là năm 2014 với lợi nhuận 1.100 tỷ đồng. Tuy vậy, so với các đối thủ cạnh tranh như Sabeco hay các doanh nghiệp ngoại như Heineken, ABInBev…thì dường như Habeco đang chậm hơn rất nhiều, điều này có thể thấy rõ qua doanh thu, thị phần ngày càng giảm sút.
Habeco đang chậm hơn rất nhiều so với đối thủ cạnh tranh
Trong 3 năm gần nhất, doanh thu Habeco chỉ đi ngang quanh ngưỡng 9.800 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận đã sụt giảm mạnh, thậm chí năm 2017 chỉ còn 657 tỷ đồng. Về thị phần tính theo sản lượng tiêu thụ cũng giảm từ khoảng 20% năm 2015 xuống còn hơn 16% trong năm 2017. Ngay tại "sân nhà" miền Bắc, Habeco cũng đang mất dần lợi thế vào tay đối thủ, thậm chí là Sabeco, doanh nghiệp vốn có thế mạnh trong miền nam nhưng hiện đã chiếm khoảng 10% thị phần miền bắc.
Theo số liệu năm 2017, Sabeco đang giữ vững vị trí quán quân với thị phần khoảng 45%, Heineken xếp tiếp theo với thị phần khoảng 25%. Không những vậy, các tên tuổi như như Carlsberg, ABInbev, Sapporo…ngày càng gia tăng thị phần mạnh mẽ khiến áp lực đè nặng lên Habeco.
Với Halico, trong giai đoạn 2011 – 2012, Tập đoàn Diageo, công ty rượu lớn nhất thế giới đồng thời là chủ sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng thế giới như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff đã chi ra gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu 45,5% cổ phần Halico. Vốn hóa Halico xác định theo mức giá Diageo đặt mua vào khoảng 4.300 tỷ đồng.
Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng số tiền Diageo bỏ ra để sở hữu cổ phần của Halico dù khá lớn nhưng có phần hợp lý bởi Halico là doanh nghiệp có truyền thống hơn 100 năm hoạt động, chiếm thị phần lớn trong ngành rượu Việt Nam với sản phẩm chủ lực Vodka Hà Nội đang "làm mưa làm gió" tại các quán nhậu, nhà hàng bình dân.
Sự góp mặt của "ông trùm" ngành rượu thế giới được kỳ vọng sẽ mang đến những yếu tố tích cực hơn cho Halico trong việc nâng cao năng lực quản trị, tung ra nhiều sản phẩm mới, mở rộng hệ thống phân phối ra thị trường quốc tế,…và đây có thể là bước tiến lớn với Halico.
Tuy vậy, sau tất cả những kỳ vọng trên, thực tế diễn ra lại là một gam màu u ám cho Halico. Sản phẩm rượu Vodka Hà Nội từng một thời "tung hoành" trên thị trường đã mất vị thế trước áp lực cạnh tranh từ nhiều đối thủ khác nhau.
Halico lao dốc sau cái bắt tay với Diageo
Lợi nhuận Halico vẫn trên đà "lao dốc" kể từ năm 2010 và không có sự tiến triển, ngoại trừ năm 2012 tăng vọt lên 276 tỷ đồng phần lớn đến từ khoản tiền đền bù di dời nhà máy từ 94 Lò Đúc, Hà Nội sang Bắc Ninh. Trong năm 2017, Halico lỗ hơn 84 tỷ đồng và lỗ lũy kế hiện gần 255 tỷ đồng. Trong 2 năm tiếp theo là 2019 và 2019, Halico vẫn dự kiến lỗ với số lỗ lần lượt khoảng 58 tỷ đồng và 53 tỷ đồng.
Việc lợi nhuận năm 2017 của Halico giảm sâu bên cạnh nguyên nhân thị trường còn bởi doanh nghiệp này không còn hợp đồng gia công sản phẩm cho Diageo, từ đó mất đi nguồn thu lớn.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu Habeco hiện chỉ còn 95.000 đồng/cp, giảm gần một nửa so với hồi đầu năm. Trong khi đó, cổ phiếu Halico lên sàn được 3 tuần nhưng chưa có giao dịch cho thấy giới đầu tư không còn mặn mà với những ông lớn "vang bóng một thời" này.
Cổ phiếu Habeco không còn hấp dẫn giới đầu tư
Điều gì khiến những tên tuổi trăm năm dần mai một?
Với Habeco, việc "đại gia" bia Hà Nội này đang chững lại là điều dễ hiểu khi sản phẩm doanh nghiệp vẫn khá cũ kỹ, không còn hợp thị hiếu người dùng. Sản phẩm Bia Hà Nội nhãn đỏ 450ml "ế" là minh chứng tiêu biểu. Các sản phẩm của Habeco cũng khá nghèo nàn mẫu mã, đa phần là phân khúc bình dân không còn được ưa chuộng.
Ngay tại phân khúc bia hơi mà Habeco đang "bá chủ" cũng dần gặp khó khi những người trung tuổi, vốn trung thành với loại bia này đã quá tuổi uống bia, trong khi giới trẻ không ưa chuộng. Sự có mặt của Carlsberg trong một thập kỷ qua chưa đem lại dấu ấn rõ nét nào cho doanh nghiệp như kỳ vọng.
Bên cạnh đó còn có thể do Habeco vẫn chịu sự chi phối từ cổ đông lớn là Bộ Công thương, từ đó dẫn tới việc mạnh dạn đổi mới là không dễ dàng vì nhiều rào cản cơ chế. Mặc dù lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Habeco đã diễn ra vài năm nay nhưng vẫn chưa tiến triển do ràng buộc điều khoản với Carlsberg. Khúc mắc lớn nhất của thương vụ này có lẽ là giá, và có lẽ cho đến khi chưa thoái vốn Nhà nước thì khó có thể kỳ vọng sự bứt phá của Habeco.
Còn với Halico, việc lao dốc của doanh nghiệp vang bóng một thời này có thể gắn liền với những bê bối lãnh đạo, bên cạnh yếu tố tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Truyền thông phản ánh những khoản chi tiêu vô tội vạ và sự điều hành yếu kém của lãnh đạo Halico là ông Mai Văn Lợi – nguyên Chủ tịch HĐQT, người thân thiết với ông Trịnh Xuân Thanh là nguyên nhân khiến cho Halico đi xuống.
Ngoài ra, vấn đề của Halico còn đến từ vai trò của cổ đông lớn khá mờ nhạt, mà ở đây là Habeco và Diageo. Trong nhiều năm qua, dấu ấn duy nhất của Diageo chỉ là mang về cho Halico hợp đồng "gia công" rượu, nhưng việc này đã chấm dứt từ năm 2017. Trong khi đó Habeco với những khó khăn của chính mình còn chưa khắc phục xong, khó có thể kỳ vọng doanh nghiệp này hỗ trợ gì cho Halico.