CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) vừa công bố BCTC hợp nhất kiểm toán với doanh thu Công ty đạt 1.811 tỷ đồng, giảm phân nửa so với con số 3.688 tỷ cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do không còn hợp nhất doanh thu từ Công ty Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên (đã thanh lý); đồng thời không còn doanh thu từ ớt, bò thịt và bất động sản. Ngoài ra, doanh thu bán trái cây cũng giảm đáng kể, từ 1.247 tỷ còn 964 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, HAGL Agrico ghi nhận khoản lỗ ròng của cổ đông công ty mẹ hơn 2.426 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2019 là 2.324 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kiểm toán tiếp tục nêu cơ sở ý kiến ngoại trừ, gồm:
(1) Trong năm nhóm Công ty đã ghi nhận một khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập số dư dự phòng thuế TNDN tại ngày 31/12/2018 với số tiền hơn 192 tỷ đồng. Việc trích lập này đã được thực hiện trong các năm trước căn cứ theo Nghị định 20 (quy định về quản lý thuế với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được Chính phủ ban hàng ngày 24/2/2017).
(2) Sang năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019, nhóm Công ty không ghi nhận khoản dự phòng thuế TNDN tương tự theo quy định tại Nghị định 20 với số tiền hơn 39 tỷ đồng, kiểm toán cho hay, do nhóm Công ty đã áp dụng các nội dung mới của dự thảo sửa đổi Nghị định 20 mặc dù dự thảo này chưa được phê duyệt chính thức bởi cơ quan có thẩm quyền tại ngày lập BCTC này.
Theo đó, nếu nhóm Công ty thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 20 cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019 và không hoàn nhập chi phí thuế TNDN, chỉ tiêu "Thu nhập khác" sẽ giảm hơn 192 tỷ, đồng thời chỉ tiêu "Chi phí thuế TNDN" sẽ tăng hơn 39 tỷ. Tương ứng, mức lỗ trước thuế và lỗ sau thuế sẽ tăng lần lượt hơn 192 tỷ đồng và gần 232 tỷ.
Tính tổng, lỗ lũy kế nhóm Công ty ghi nhận tại ngày 31/12/2019 sẽ tăng cùng với số tiền hơn 232 tỷ đồng, lên 2.556 tỷ đồng. Như vậy, nếu ghi nhận theo Nghị định 20 lỗ lũy kế HAGL Agrico tính đến cuối năm 2019 sẽ ở mức 2.555 tỷ.
Tính đến ngày 31/12/2019, HAGL Agrico ghi nhận 23.280,5 tỷ tổng tài sản, giảm khoảng 7.000 tỷ so với đầu kỳ; trong đó chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm gần 10.013 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí phát triển vườn cây ăn trái, vườn cao su, vườn cọ dầu và nhà máy sản xuất cọ dầu). Nợ phải trả giảm đáng kể từ 19.856 tỷ về 13.542,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ vay giảm mạnh hơn 6.200 tỷ đồng, hiện HAGL Agrico còn nợ vay ngắn hạn 4.655 tỷ (đầu kỳ khoảng 5.879 tỷ) và nợ vay dài hạn 4.550 tỷ (đầu kỳ hơn 9.551 tỷ đồng).