Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đang gặp nhiều trở ngại trên thương trường
Càng về cuối phiên giao dịch chiều 2.4, giao dịch càng trở nên bùng nổ hơn. Chỉ số VnIndex đóng cửa tăng 22,15 điểm (1,89%) lên 1.196,61 điểm, mức cao nhất trong ngày và cũng là mức cao nhất đạt được trong lịch sử hoạt động của TTCKVN.
Chung diễn biến tích cực, Hnx-Index cũng tăng 2,64 điểm (1,99%) lên 135,09 điểm và Upcom-Index tăng 0,24 điểm (0,39%) lên 60,9 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 296 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 8.600 tỷ đồng.
Trong phiên chiều nay, các cổ phiếu Bluechips như BVH, VIC, VJC, MSN, PLX, ROS…cũng như các cổ phiếu ngân hàng BID, CTG, VCB, VPB, ACB, MBB…tiếp tục bứt phá mạnh mẽ và là động lực giúp thị trường bứt phá.
Cụ thể, VIC là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 37,28 tỷ đồng. Trong phiên hôm nay, tăng 5.800 đồng (gần 5%) lên 123.000 đồng và là cổ phiếu tác động tích cực nhất tới thị trường chung.
Bên cạnh đó, dòng tiền cũng lan tỏa đều ra các nhóm chứng khoán, bất động sản, xây dựng giúp thị trường trở nên sôi động hơn rất nhiều. Không ít cổ phiếu trong nhóm chứng khoán tăng kịch trần như VCI, HCM, WSS.
Ở chiều ngược lại, bộ đôi cổ phiếu ngành bán lẻ PNJ, MWG đồng loạt giảm điểm.
Cặp đôi cổ phiếu bầu Đức tiếp tục giảm khiến tài sản chứng khoán của ông "bốc hơi" gần 150 tỷ đồng
Trong khi đó, bộ đôi cổ phiếu của Bầu Đức tiếp tục gây thất vọng với nhà đầu tư khi HAG giảm sàn xuống còn 6.150 đồng/cổ phiếu, HNG cũng giảm sâu hơn 4% xuống 8.480 đồng/cổ phiếu.
Trong 7 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu HAG của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận tới 6 phiên giảm. Từ mức giá 7.190/cổ phiếu ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 22.3, giá trị giao dịch của cổ phiếu HAG chỉ còn 6.150 đồng/cổ phiếu sau phiên giao dịch ngày 2.4.
Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu HAG đã giảm kịch sàn ngay từ thời điểm mở cửa. Tổng khối lượng cổ phiếu được khớp lệnh là 22.763.820 cổ phiếu, ứng với tổng giá trị giao dịch là hơn 142,97 tỷ đồng. Trong đó, 419.260 cổ phiếu được khớp lệnh qua giao dịch thỏa thuận. Tới cuối phiên, dư bán HAG còn 56.900 cổ phiếu.
Với việc nắm giữ 324.765.533 cổ phiếu HAG, tương đương 35% cổ phần tại Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, tài sản chứng khoán của Chủ tịch HĐQT công ty - ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã giảm 149,39 tỷ đồng, còn 1.997,31 tỷ đồng.
Lần gần nhất cổ phiếu HAG của bầu Đức giảm sàn vào các ngày 5.2, 6.2 và 8.2
Đây là phiên giao dịch đầu tiên ghi nhận tình trạng giảm sàn của cổ phiếu HAG sau gần 2 tháng. Những phiên giảm sàn gần nhất của cổ phiếu HAG diễn ra vào các ngày 5.2, 6.2 và 8.2.
Đó là thời điểm Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT phải đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 và trước đó, chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ và hợp nhất của 2 năm 2015 và 2016.
Dù mới đây, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đều đã công bố báo cáo tài chính năm 2017 được kiểm toán bởi hãng kiểm toán Ernst & Young .
Song sau kiểm toán, trong khi lợi nhuận của HAGL tại báo cáo hợp nhất "bốc hơi" 661 tỷ đồng thì lãi công ty mẹ trong báo cáo riêng chuyển từ lãi 86 tỷ đồng xuống âm 561 tỷ đồng.
Trong bản giải trình của mình, Tập đoàn này cho biết lý do gây ra khoản chênh lệch lên tới 661 tỷ đồng trên là do "sai sót kế toán, thiếu sót về chuyên môn của các nhân viên kế toán”. Cùng đó, lượng nghiệp vụ quá nhiều trong khi nhân viên phải cố gắng hoàn thành báo cáo tài chính quý trong quỹ thời gian cho phép là 30 ngày.
Một nội dung đáng chú ý tại báo cáo hợp nhất năm 2017 của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sau khi được kiểm toán bởi Ernst & Young đó là nội dung ý kiến của kiểm toán viên.
Cụ thể, tại báo cáo này, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc đánh giá khả năng thu hồi của tổng các khoản phải thu của HAGL từ các bên liên quan với số tiền gần 4.024 tỷ đồng do không có đủ bằng chứng kiểm toán.
Thêm vào đó, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 3.563,3 tỷ đồng cộng với việc vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu đã khiến Ernst & Young đánh giá có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Hoàng Anh Gia Lai.