Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020. Thứ nhất, về kế hoạch kinh doanh, Công ty dự kiến doanh thu 5.082 tỷ đồng, tức tăng 2,5 lần so với con số 2.075 tỷ hồi năm 2019. Nguồn thu năm nay chủ yếu từ mảng cây ăn trái và mủ cao su.
Mảng cây ăn trái dự đem về 4.672 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với con số năm 2019
Thứ nhất, mảng kinh doanh cây ăn trái vẫn sẽ tạo ra doanh thu chủ lực trong cơ cấu doanh thu năm 2020 của Công ty, dự kiến mang lại 4.672 tỷ đồng (tăng 2,7 lần năm 2019) chiếm tỷ trọng 92% trong cơ cấu doanh thu.
Trong đó, trọng tâm năm 2020 của Công ty là duy trì chăm sóc tốt diện tích cây ăn trái đang hiện có nhằm đảm bảo tính ổn định trong sản xuất kinh doanh song song với việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn trái; tiến hành sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và chuyên biệt theo nhóm cây trồng, ứng dụng công nghệ tiên tiến để hoàn thiện kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản trái cây, cải thiện năng suất và tăng tỷ lệ trái cây loại 1.
Chi tiết các loại như sau:
+ Chuối: dự kiến năm 2020 đạt sản lượng 350.591 tấn, mang lại doanh thu 4.187 tỷ đồng, đóng góp 82,4% trong cơ cấu doanh thu;
+ Mít: dự kiến năm 2020 đạt sản lượng 12.715 tấn, mang lại doanh thu 255 tỷ đồng, đóng góp 5% trong cơ cấu doanh thu;
+ Thanh Long: dự kiến năm 2020 đạt sản lượng 12.023 tấn, mang lại doanh thu 231 tỷ đồng, đóng góp 4,5% trong cơ cấu doanh thu.
Lấy Trung Quốc làm nền tảng xuất khẩu và sẽ chiếm giữ vị trí nhà cung cấp trái cây nhiệt đới lớn nhất tại thị trường này
Được biết, năm 2019 ngành cây ăn trái vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu hoạt động của Tập đoàn với hơn 15 loại cây. Đến cuối năm 2019, Tập đoàn đã trồng được hơn 20.000 ha cây ăn trái tại Việt Nam, Lào, Campuchia.
Thị trường tiêu thụ hiện nay đang lấy thị trường Trung Quốc làm nền tảng và sẽ chiếm giữ vị trí nhà cung cấp trái cây nhiệt đới lớn nhất tại thị trường này. Ngoài ra, Tập đoàn luôn chú trọng sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Global Gap hoặc các tiêu chuẩn tương đương đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước Châu Âu.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng sẽ đầu tư chế biến chuyên sâu sau thu hoạch để gia tăng giá trị sản phẩm và đa dạng hóa nguồn cung cấp sản phẩm cho thị trường.
Hiện, tổng diện tích vườn chuối của Tập đoàn đến cuối năm 2019 đạt khoảng 10.000 ha. Chuối tươi đang là mặt hàng chủ đạo mang lại nguồn thu lớn nhất cho Công ty;
Ngoài ra, với trái thanh long, năm 2019, với diện tích thu hoạch khoảng 1.000 ha, sản lượng hơn 14.000 tấn. Các vườn Thanh long đều được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel và quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn Global Gap để xuất khẩu.
Năm 2020 còn lỗ trước thuế 356 tỷ, đề nghị không chia cổ tức
Thứ hai, mủ cao su và một số loại cây khác dự kiến mang lại doanh thu 146 tỷ đồng, đóng góp 2,9% trong cơ cấu doanh thu. Công ty sẽ tiếp tục duy trì chăm sóc vườn cây cao su dù trong bối cảnh hiện nay giá cao su vẫn còn rất thấp.
Về hệ thống quản trị, Công ty sẽ ứng dụng các phần mềm quản lý để tiến tới nền tảng công nghệ quản trị cho toàn chuỗi sản xuất, đảm bảo các nguồn lực được sử dụng hiệu quả cao và khoa học, giúp giảm đáng kể hao hụt tài nguyên của Tập đoàn.
Trong năm 2019, Tập đoàn duy trì công tác chăm sóc 31.085 ha cao su, trong đó 18.200 ha tại Lào, 1.680 ha tại Việt Nam và 11.205 ha tại Campuchia. HAGL đang vận hành một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác.
Cuối cùng khoản doanh thu khác: dự kiến năm 2020 các hoạt động khác mang lại doanh thu khoảng 264 tỷ đồng, đóng góp 5,2% trong cơ cấu doanh thu. Năm 2019, HAGL đã chính thức thoái toàn bộ khỏi mảng bất động sản.
Theo đó, mảng kinh doanh bên ngoài còn giữ lại bao gồm
+ Bệnh viện Đại học Y dược HAGL trong năm 2019 tiếp tục tạo ra lợi nhuận. Tuy chưa góp tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của Tập đoàn, nhưng Bệnh viện lại có những đóng góp quan trọng đối với xã hội, giúp Tập đoàn tham gia nhiều hoạt động từ thiện và cũng giúp ích nhiều cho công tác chữa trị cho cán bộ, nhân viên của Tập đoàn.
+ Bóng đá: Hoạt động thể thao vẫn đang tiếp tục được duy trì nhằm đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói riêng và cho xã hội nói chung.
Khấu trừ chi phí, HAGL dự kiến còn lỗ hợp nhất trước thuế 356 tỷ đồng, theo đó HĐQT trình sẽ không chia cổ tức.
Xin ý kiến được uỷ quyền thực hiện chuyển vốn + cho vay nội bộ, muốn mua lại cổ phần Chăn nuôi Gia Lai làm công ty con
Ngoài ra, HĐQT còn trình và xin ý kiến Đại hội thông qua việc ủy quyền cho HĐQT được phép thực hiện điều chuyển vốn, cho vay giữa các công ty với nhau và sẽ báo cáo kết quả tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
Riêng với việc chuyển đổi số dư nợ cho vay và nợ phải thu CTCP Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp cổ phần, HAGL dự sẽ thực hiện rà soát số liệu các khoản cho vay và các khoản phải thu Chăn nuôi Gia Lai đồng thời tiến hành chuyển đổi thành vốn góp cổ phần dựa trên các nguyên tắc và mục tiêu tái cấu trúc tài chính Chăn nuôi Gia Lai theo hướng tăng vốn, giảm nợ, giảm áp lực chi phí lãi vay, chuyển từ tình trạng thua lỗ sang có lãi trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Tập đoàn sẽ mua lại cổ phần Chăn nuôi Gia Lai thành công ty con để tham gia điều hành, tái cấu trúc bộ máy quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Trên thị trường, cổ phiếu HAG hiện tăng khá mạnh, chốt phiên 8/6 tại mức 5.750 đồng/cp, thanh khoản đột biến.