Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa công bố BCTC hợp nhất soát xét năm 2021, trong đó Công ty đã điều chỉnh tăng giá vốn và giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, kết quả lợi nhuận giảm từ mức 18 tỷ xuống còn hơn 8 tỷ đồng.
Chi tiết, giá vốn trong kỳ được điều chỉnh tăng, liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất. Ngược lại, chi phí quản lý được điều chỉnh giảm, nguyên nhân do giảm dự phòng các khoản phải thu sau khi thực hiện rà soát khả năng thu hồi. Theo đó, LNST nửa đầu năm điều chỉnh giảm gần 10 tỷ đồng.
Dù vậy, con số trên so với cùng kỳ năm 2020 ghi nhận sự cải thiện mạnh, nửa đầu năm ngoái HAGL lỗ đến 1.397 tỷ đồng.
Theo HAGL, chỉ số tài chính 6 tháng đầu năm nay cải thiện nhờ chi phí giảm mạnh khi không còn hợp nhất với HAGL Agrico, không còn lập dự phòng các khoản phải thu cũng như chi phí chuyển đổi cũng giảm đáng kể.
Ngoài ra, doanh thu trong kỳ có đóng góp từ mảng chăn nuôi heo: sau 1 năm tuyên bố đầu tư, HAGL đã chính thức ghi nhận doanh thu thuần 260 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thứ 2 trong tổng doanh thu sau mảng cốt lõi hiện nay là trái cây với 304 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, thậm chí mảng heo thu về lãi gộp cao hơn với 110 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp từ cây ăn trái nửa đầu năm vào khoảng 87 tỷ đồng.
Không còn hợp nhất chỉ số từ HAGL Agrico (HNG), tổng tài sản của HAGL tính đến thời điểm 30/6/2021 cũng giảm đáng kể, từ mức 37.266 tỷ xuống còn 18.112 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đa số là các khoản phải thu với tổng giá trị ghi nhận hơn 9.106 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản. Hiện, HAGL đang trích lập dự phòng 2.242 tỷ đồng cho các khoản phải thu trên. Về nguồn vốn, HAGL hiện đang có 9.275 tỷ vốn cổ phần, trong đó thặng dư ghi nhận gần 3.264 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 282 tỷ đồng.
Hiện, HAGL đang có khoản phải thu tại HAGL Agrico với gần 2.000 tỷ đồng, bao gồm khoản phải thu ngắn hạn 1.050 tỷ và khoản phải thu dài hạn 987 tỷ đồng.
Lỗ luỹ kế hiện tại của Công ty ghi nhận gần 7.372 tỷ đồng. Theo đó, kiểm toán có nhấn mạnh việc tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Mới đây, HĐQT HAGL vừa thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua phương án sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xử lý lỗ lũy kế. Nếu dùng hết thặng dư trên thì HAGL sẽ giảm tương ứng hơn 3.260 tỷ đồng lỗ luỹ kế.
Trong kỳ, HAGL cũng phát sinh một số sự kiện tác động đến chỉ số kinh doanh của Công ty. Bao gồm:
(i) Liên quan đến việc thanh lý HAGL Agrico, ngày 8/1/2021, ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua việc phát hành cổ phần hoán đổi nợ cho Thagrico (công ty nông nghiệp của Thaco), thay thế vị trí Chủ tịch HAGL Agrico từ bầu Đức sang ông Trần Bá Dương.
Theo đó, HAGL Agrico không còn là công ty con của HAGL. Tại ngày mất quyền kiểm soát, HAGL đã ghi nhận khoản giao dịch vốn trước đây với giá trị hơn 1.013 tỷ đồng vào chỉ tiêu LNST chưa phân phối trên BCTC hợp nhất.
Đến ngày 4/6/2021, HAGL tiếp tục giảm sở hữu tại HAGL Agrico từ 37,75% vốn xuống còn 16,07% vốn, số tiền lãi gần 241 tỷ đồng này được HAGL ghi nhận vò doanh thu tài chính.
(ii) Ngày 23/3/2021, HAGL đã mua thêm 4,45% phần vốn góp trong Hưng Thắng Lợi với giá trị gần 125 ỷ tỷ đồng, qua đó nâng sở hữu từ 78,22% lên 82,67% vốn. Chênh lệch giữa giá trị đầu tư và giá trị ghi sổ gần 84 tỷ đồng được ghi nhận tăng lỗ luỹ kế trên bảng CĐKT.
(iii) Tương tự, ngày 1/4/2021, Hưng Thắng lợi và Bệnh viện Đaị học Y dược - HAGL mua thêm 5,6 triệu cổ phần phát hành mới tại công ty con trong Tập đoàn là Thể thao HAGL. Theo đó, HAGL đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Thể thao HAGL từ 51% lên 99,81% vốn. Chênh lệch này được HAGL ghi nhận gần 158 tỷ đồng và ghi nhận tăng lỗ luỹ kế trên bảng CĐKT.