Hạ viện Mỹ, do phe Dân chủ chiếm đa số, mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 9, sau khi một "người thổi còi" tố cáo ông chủ Nhà Trắng hối thúc người đồng cấp Ukraine điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden trong cuộc điện đàm ngày 25/7. Biden là một trong những ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ, đối thủ của Trump, đảng Cộng hòa, trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ngày 3/12, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố báo cáo 300 trang và thông qua, cho rằng bằng chứng về hành vi sai trái và cản trở quốc hội của Tổng thống Trump là "rất mạnh ", cáo buộc hành động của ông với Ukraine đã làm tổn hại an ninh quốc gia, và trình lên Ủy ban Tư pháp Thượng viện xem xét.
Ủy ban Tư pháp Thượng viện dự kiến bỏ phiếu sớm nhất trong tuần này để đưa ra các cáo buộc chính thức đối với Tổng thống Trump trước khi đưa ra biểu quyết tại Hạ viện. Nếu bị luận tội, ông Trump có thể phải ra trình diện Thượng viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Hạ viện Mỹ ngày 10/12 đưa ra hai cáo buộc chính với ông Trump.
Lạm quyền
Trong khía cạnh luận tội, lạm quyền thường được định nghĩa là sử dụng quyền lực của tổng thống cho lợi ích cá nhân.
Lạm quyền không được coi là hành động bị luận tội theo Hiến pháp Mỹ. Hiến pháp Mỹ quy định một tổng thống có thể bị phế truất vì “phản quốc, tham nhũng hoặc phạm tội hình sự, có hành vi sai trái nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, những người soạn thảo có ý dùng cụm từ “phạm tội hình sự, có hành vi sai trái nghiêm trọng” để bao hàm cả lạm quyền, theo các học giả pháp lý. Alexander Hamilton, chính trị gia nổi tiếng của Mỹ, năm 1788 viết rằng quy trình luận tội dành cho “những tội bắt nguồn từ hành vi sai trái của công chức, nói cách khác, là lạm quyền hoặc tổn hại đến niềm tin từ công chúng”.
Tổng thống Donald Trump đang bị Hạ viện điều tra luận tội. Ảnh: Reuters.
Louis Michael Seidman, giáo sư tại Georgetown Law, cho biết cáo buộc cốt lõi nhằm vào Tổng thống Trump, rằng ông chủ Nhà Trắng dọa không giải ngân hỗ trợ an ninh cho Ukraine để ép Kiev mở cuộc điều tra có lợi về chính trị cho ông, là hành vi được các nhà soạn thảo coi là có thể luận tội.
“Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia tại Ukraine và dường như điều tổng thống làm là gây nguy hại cho lợi ích an ninh quốc gia để đổi lấy lợi ích chính trị”, Seidman nhận định. “Nếu Trump bị luận tội, đó sẽ là luận điểm then chốt của quy trình”.
Lạm quyền cũng là một trong những cáo buộc nhằm vào cựu tổng thống Richard Nixon. Ông đã từ chức ngay trước khi toàn bộ Hạ viện bỏ phiếu thông qua. Trước đó, một ủy ban Hạ viện cho rằng Nixon đã yêu cầu kiểm toán thuế các đối thủ chính trị trong “danh sách địch thủ” của ông.
Cựu tổng thống Bill Clinton cũng bị cáo buộc lạm quyền liên quan chuyện tình cảm của ông với một nữ thực tập sinh Nhà Trắng. Tuy nhiên, đa số thành viên Hạ viện bỏ phiếu phản đối cáo buộc này. Cuối cùng, ông Clinton bị luận tội với 2 cáo buộc phản bội lời thề và cản trở công lý nhưng không bị Thượng viện kết tội.
Cản trở quốc hội
Phe Dân chủ còn cáo buộc ông Trump cản trở quốc hội dựa trên việc ông cản trở quá trình điều tra luận tội của Hạ viện. Nhà Trắng từ chối cung cấp tài liệu cho nhà điều tra từ quốc hội và chỉ đạo các cố vấn cấp cao, quan chức chính phủ bất tuân trát hầu tòa, từ chối ra điều trần. Một cáo buộc tương tự cũng được đưa ra trong trường hợp của Nixon.
Cản trở quốc hội là tội hình sự theo luật pháp Mỹ, được định nghĩa là cố tình không ra điều trần hoặc cung cấp tài liệu cho quốc hội. Nhà Trắng lập luận rằng Hiến pháp Mỹ không quy định các cố vấn cấp cao của tổng thống phải ra điều trần trước quốc hội. Một thẩm phán đã bác bỏ lập luận trên hôm 25/11, liên quan đến trát hầu tòa của cựu cố vấn Nhà Trắng Don McGahn.
Các luật sư của Trump cho rằng việc Trump từ chối hợp tác với quá trình điều tra luận tội là đúng bởi quy trình này bất công với ông.
Quy trình tiếp theo
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ sẽ họp vào 9h EST (21h giờ Hà Nội) ngày 12/12 để tranh luận về các điều khoản luận tội, cân nhắc chỉnh sửa và chuyển ra Hạ viện bỏ phiếu thông qua lần cuối. Nếu được thông qua, ông Trump sẽ bị xét xử tại Thượng viện, nơi phe Cộng hòa chiếm đa số, có thể là vào đầu năm 2020.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Roberts sẽ chủ trì xét xử. Hạ viện đưa ra bằng chứng cáo buộc Trump và đội pháp lý của tổng thống sẽ phản bác. Các thượng nghị sĩ đóng vai trò bồi thẩm.