Hai công ty chứng khoán đầu tiên áp dụng Copy Trade
Theo tin từ Chứng khoán MB (MBS), MBS hiện nay đang hoàn tất những khâu cuối cùng để triển khai sản phẩm Copy Trade (sao chép giao dịch). Nếu thành công, MBS sẽ là công ty chứng khoán thứ hai cung cấp Copy Trade chính thức tại Việt Nam.
Ông Dương Văn Chung - Giám đốc Sở Giao dịch 1 MBS đánh giá Copy Trade là một sản phẩm cực kỳ hấp dẫn bởi thoả mãn nhu cầu của hai đối tượng trên thị trường đó là:
Thứ nhất, những người có tiền nhàn rỗi nhưng không có nhiều thời gian để nghiên cứu đầu tư doanh nghiệp, hay theo dõi bảng điện. Số lượng người đang có nhu cầu sao chép giao dịch rất nhiều. Thực tế, những nhà đầu tư F0 thiếu kiến thức và kinh nghiệm đầu tư chứng khoán nên thua lỗ rất nhiều trong thời gian vừa qua có nhu cầu được ủy thác đầu tư rất nhiều nhưng lại bị vướng các vấn đề về pháp lý và mức độ tin cậy nên họ thường e dè không dám cho môi giới chứng khoán quản lý tài khoản của họ để đặt lệnh. Thời gian qua có nhiều lùm xùm liên quan đến việc uỷ thác đầu tư, môi giới tự ý làm bậy khiến nhiều khách hàng bị thiệt hại nặng. Do đó sản phẩm Copy Trade thoả mãn về tính pháp lý, an toàn tài khoản cho nhà đầu tư.
Thứ hai, đó là những Trader có trình độ cao và tự tin vào năng lực của mình và có tham vọng nhận ủy thác đầu tư với quy mô lớn mà lại không mất công sức quản lý như thuê nhân viên nhập lệnh/nhân viên làm báo cáo/ kế toán theo dõi hợp đồng… Các Trader nên hiểu rằng giữa việc đầu tư giỏi và việc quản lý 1 doanh nghiệp hay quản lý 1 tệp khách hàng ủy thác là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Khi Trader giỏi tham gia sản phẩm này thì bất cứ lệnh nào của họ sẽ được các nhà đầu tư sao chép với tỷ trọng và giá y hệt nên có thể nhận ủy thác cả trăm tài khoản mà không cần phải thuê người nhập lệnh và quản lý.
Ông Dương Văn Chung cho rằng đây là 1 công cụ rất mạnh để cạnh tranh với các công ty quản lý quỹ.
"Tôi đã có 16 năm trong nghề và nhận ra rằng trên thị trường Việt Nam có rất rất nhiều người giỏi hơn các chuyên gia trong quỹ đầu tư rất nhiều. Khi bạn làm ủy thác bên ngoài thì mức độ linh hoạt rất cao không bị gò bó bởi nhiều điều khoản chặt chẽ nên tỷ suất sinh lời sẽ cao hơn so với làm ở trong quỹ đầu tư", ông Chung nói.
Copy Trade (sao chép giao dịch) là một chiến lược quản lý danh mục đầu tư trong đó một trader tiến hành sao chép các giao dịch được thực hiện bởi một trader khác (thường gọi là pro trader/master) trên thị trường. Mục tiêu của Copy Trade là để nhà đầu tư có cùng vị trí với người mà họ đang sao chép.
Khi tiến hành Copy Trade, tài khoản của bạn sẽ sao chép các hoạt động giao dịch như mở/đóng lệnh, stop loss, take profit,… của tài khoản bạn muốn copy theo một tỷ lệ nhất định. Vì vậy, nếu tài khoản đó lỗ hay lãi thì tài khoản của bạn cũng sẽ lỗ hoặc lãi tương đương tài khoản copy.
Trước đó, TechcomSecurities (TCBS) đã triển khai sản phẩm iCopy cho phép các nhà đầu tư tự động sao chép tức thời các giao dịch của một iTrader (nhà đầu tư tài năng) mà mình chọn lựa. Sau khi chọn một iTrader và bấm nút sao chép, iCopier sẽ được hệ thống tự động sao chép tức thời theo các lệnh của iTrader mỗi khi iTrader đặt lệnh và giao dịch (mua hoặc bán) chứng khoán thành công.
TCBS cho rằng cũng giống như nền tảng Uber trong ngành taxi, hay Airbnb cho ngành khách sạn, nền tảng đầu tư cộng đồng iCopy kỳ vọng sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh của ngành chứng khoán và quản lý quỹ của Việt Nam trong tương lai gần.
Theo đó, TCBS sẽ liệt kê toàn bộ danh sách các iTrader đã được sàng lọc về hiệu quả đầu tư, cấp độ rủi ro, tổng tài sản quản lý, số lượng người sao chép,…cho nhà đầu tư lựa chọn.
Các iTrader của hệ thống iCopy của TCBS
Thực tế giới đầu tư đã biết nhiều tới các group chat có thu phí cho phép người tham gia có thể sao chép các giao dịch theo các "cao thủ chứng khoán" một cách thủ công từ rất lâu. Điều này sẽ giúp những nhà đầu tư có vốn, không am hiểu sâu về chứng khoán có thể mua bán theo những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm trên thị trường để đạt hiệu quả đầu tư cao hơn. Mức phí sẽ dao động tuỳ thuộc vào từng room thu phí khác nhau, có nơi lên tới 15-20 triệu đồng/năm.
Việc MBS và TCBS hợp thức hoá sản phẩm Copy Trade là đi đầu tại Việt Nam hợp thức hoá thành một sản phẩm dịch vụ chứng khoán phục vụ nhu cầu có thật trong cộng đồng nhà đầu tư đã tồn tại từ lâu. Dùng cách này, các công ty chứng khoán có thể thu hút người tài cũng như thu phí từ sản phẩm Copy Trade.
Bài toán lợi ích của các bên tham gia cuộc chơi Copy Trade
Trong cuộc chơi Copy Trade này ai sẽ là người có lợi. Để trả lời câu hỏi này, hãy đặt vị thế vào từng đối tượng trong cuộc chơi.
Nhà đầu tư sao chép: Nếu là các nhà đầu tư thông thường, trước khi mở vị thế mua bán sẽ phải tìm hiểu, nghiên cứu về doanh nghiệp, lịch sử giá cổ phiếu, điểm mua - điểm bán, điểm cắt lỗ chốt lời, tỷ lệ mua/bán… Tuy nhiên, nếu thực hiện Copy Trade thì nhà đầu tư chỉ việc sao chép lệnh mua bán của trader giỏi. Lợi ích của việc này giúp nhà đầu tư có thể mua bán như những nhà đầu tư giỏi, có kinh nghiệm, tỷ suất sinh lời cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư sinh lời cao không phải lúc nào cũng lãi, thị trường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Do đó vẫn có yếu tố rủi ro trong cuộc chơi Copy Trade ở phía nhà đầu tư đó là thua lỗ theo Trader mà họ copy, thứ hai là mất phí giao dịch. Copy Trade là dịch vụ cấp cao nên rõ ràng mức phí giao dịch cũng sẽ không hề thấp.
Về phía Pro Trader: Những nhà giao dịch chuyên nghiệp hay còn gọi những cao thủ trên thị trường này sẽ phải nghiên cứu doanh nghiệp, cổ phiếu, điểm mua bán, linh hoạt xử lý tuỳ thuộc diễn biến thị trường… cho một nhóm đông nhà đầu tư giao dịch theo. Do đó áp lực của nghề này cực kỳ cao, không được phép sai lớn bởi sai là khách hàng mất tiền, thậm chí thiệt hại rất lớn. Song, các Pro Trader sẽ không bị thiệt hại gì trong cuộc chơi này ngay cả khi khách hàng lỗ vì sao chép theo mình mà ngược lại vẫn được hưởng hoa hồng tuỳ thuộc mức chia của các công ty chứng khoán.
Về phía công ty chứng khoán: Số tiền mà sàn thu được chủ yếu là chi phí hoa hồng mà các giao dịch Copy Trade được thực hiện. Càng đông nhà đầu tư tham gia vào cuộc chơi thì nguồn thu phí càng lớn. Chi phí này sẽ được chia thành nhiều nguồn, một phần phí sẽ dành cho nhà giao dịch thành công để khích lệ, tăng hứng thú cho họ thực hiện giao dịch nhiều hơn. Đối với Pro Trader, thực hiện càng nhiều giao dịch thành công thì càng có nhiều người theo dõi, kéo theo đó là nhiều giao dịch được thực hiện, sàn lại có thêm nguồn thu nhập.
Như vậy, trong cuộc chơi Copy Trade dù được sao chép theo các cao thủ chứng trường nhưng không có một đảm bảo sẽ không thua lỗ cho người sao chép. Trong trường hợp thua lỗ, chỉ nhà đầu tư sao chép chịu thiệt nhất, công ty chứng khoán và Pro Trader vẫn hưởng phí giao dịch, hoa hồng như bình thường. Mọi thứ đều có xác suất nhất định, thua lỗ vẫn có thể xảy ra.
"Bản thân các Pro Trader cũng là nhà đầu tư trên thị trường, họ cũng chỉ có xác suất thành công cao hơn số đông một chút thôi, nên việc mua bán kéo theo đám đông sao chép có thể ảnh hưởng lớn đến cung cầu của cổ phiếu được mua/bán đó, do đó có thể bị các đội lái, tạo lập thị trường theo dõi và luộc bình thường", một nhà đầu tư có kinh nghiệm nói về dịch vụ Copy Trade đang gây sốt hiện nay.