"Bom nợ" trong lĩnh vực bất động sản bùng nổ vào thời điểm đặc biệt tồi tệ của Trung Quốc. Đất nước 1,4 tỷ dân đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài.
Theo giới chuyên gia quốc tế, vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đe dọa tạo ra thiệt hại nặng nề hơn.
Trong nhiều tháng, bom nợ hơn 300 tỷ USD của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc - khiến sự chú ý đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản, chiếm gần 30% GDP đất nước.
Cuộc khủng hoảng đã leo thang trong những ngày qua. Chiều 12/10, 2 trái chủ của China Evergrande tiết lộ họ vẫn chưa nhận được bất cứ khoản tiền hay thông báo nào từ tập đoàn. Hôm 11/10, China Evergrande phải trả 148,1 triệu USD lãi coupon cho 3 trái phiếu nước ngoài.
China Evergrande không thể trả 148,1 triệu USD lãi coupon cho 3 trái phiếu nước ngoài. Ảnh: Reuters. |
Khủng hoảng trong khủng hoảng
Trong vòng chưa đầy một tháng, đây là lần thứ 3 China Evergrande không thể trả lãi trái phiếu cho các trái chủ. Theo Nikkei Asian Review, kịch bản vỡ nợ của tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới gần như là điều chắc chắn, trừ khi China Evergrande bán tài sản hoặc nhận thêm tiền từ nhà đầu tư.
Ngày càng nhiều công ty bất động sản khác không thể thanh toán trái phiếu cho các trái chủ. Giới chuyên gia cảnh báo sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Điều này có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài lo ngại khi đổ tiền vào những doanh nghiệp Trung Quốc. Đó sẽ là tin xấu đối với chính quyền Bắc Kinh, vốn đang phải đối mặt nhiều vấn đề khác.
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản bùng nổ vào thời điểm đặc biệt tồi tệ của Trung Quốc. Đất nước 1,4 tỷ dân đang đối mặt với tình trạng thiếu than trên diện rộng. Than được sử dụng để tạo ra khoảng 70% điện năng.
Cuối năm 2020, Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Australia vì căng thẳng địa chính trị leo thang. Trong khi đó, mùa đông lạnh kỷ lục đã làm gia tăng nhu cầu về than.
Vào tháng 12/2020, giá than nhiệt (được sử dụng để sản xuất điện) trên sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã tăng 40% so với một năm trước đó lên khoảng 777 NDT/tấn (119,53 USD/tấn).
Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu than trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến sản xuất điện năng. Ảnh: Reuters. |
Cuối năm 2020, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm mạnh khí thải carbon vào năm 2030. Nhưng khi Bắc Kinh cố gắng chuyển sang năng lượng tái tạo, một đợt hạn hán nghiêm trọng đã ập đến trung tâm thủy điện của tỉnh Vân Nam.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, vào tháng 7 và tháng 8, năng lượng tạo ra từ nước đã giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Năng lượng tạo ra từ gió tăng 7% trong tháng 8, giảm từ mức 25,4% của tháng 7.
Trung Quốc vẫn chủ yếu sử dụng than để sản xuất điện. Theo dữ liệu của Wind, tốc độ gia tăng của mức tiêu thụ điện hàng năm tại nước này đã tăng lên mốc cao nhất trong vòng 10 năm.
Thêm vào đó, các nhà máy cũng cần nhiều điện hơn để gấp rút thực hiện những đơn hàng trên toàn cầu. Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch.
Tuần này, Bắc Kinh thông báo sẽ xóa bỏ mức giá trần và cho phép các công ty năng lượng ra giá trên thị trường mở. Điều này có thể nâng giá điện lên đáng kể, nhưng cũng khuyến khích sản xuất nhiều hơn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng phải đến năm sau, các động thái nhằm cải thiện nguồn cung năng lượng mới có hiệu quả đáng kể.
Khó khăn chồng chất
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt năng lượng đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng tác động tới mọi thứ, từ các ngành công nghiệp năng như thép, nhôm và xi măng, đến sản xuất điện tử và hàng tiêu dùng.
Ở thời điểm này, đầu tư nước ngoài có thể giúp cải thiện lĩnh vực năng lượng trong nước. Tuy nhiên, những khó khăn trong thị trường bất động sản đang cản trở các khoản đầu tư này. Nếu China Evergrande không tìm được nhà đầu tư mới hoặc bán tài sản, việc tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn vỡ nợ gần như chắc chắn.
Các trái chủ nắm giữ khoảng 5 tỷ USD trái phiếu nước ngoài của China Evergrande đã thuê công ty luật Kirkland & Ellis và ngân hàng đầu tư Moelis. Họ muốn tìm cách bảo vệ lợi ích của mình khi nhà phát triển thứ 2 Trung Quốc đang cố bán tài sản.
Hai công ty đã tìm cách liên hệ với China Evergrande từ trước khi tập đoàn không thể trả lãi trái phiếu coupon hôm 23/9. Nhưng đến giờ, mọi việc vẫn chưa tiến triển.
Nếu China Evergrande không tìm được nhà đầu tư mới hoặc bán tài sản, việc tập đoàn vỡ nợ gần như chắc chắn. Ảnh: Reuters. |
Tính đến nay, tập đoàn bất động sản của tỷ phú Hứa Gia Ấn đã không thể trả 277 triệu USD cho các trái phiếu coupon nước ngoài. Từ giờ tới cuối năm, China Evergrande còn phải thanh toán 573 triệu USD nữa.
Đáng nói, China Evergrande không phải rủi ro duy nhất đối với các nhà đầu tư. Theo ước tính của Nomura, ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc đang ngồi trên núi nợ khổng lồ 5.200 tỷ USD. Quy mô nợ tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2016 và lớn hơn GDP Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Mới đây, tập đoàn bất động sản Sinic Holdings (có trụ sở tại Thượng Hải) thừa nhận không thể trả gốc và lãi cho 250 triệu USD trái phiếu đến hạn vào ngày 18/10. Các công ty con của Sinic đã không thể thanh toán 38,7 triệu USD cho hai trái phiếu bằng đồng NDT, đến hạn vào ngày 18/9.
Tập đoàn Modern Land cũng yêu cầu các nhà đầu tư gia hạn thêm 3 tháng đối với trái phiếu trị giá 250 triệu USD, đến hạn vào ngày 25/10. Đầu tháng này, Fantasia Holdings - một tập đoàn bất động sản có trụ sở tại Thâm Quyến - đã không thể thanh toán cho trái phiếu trị giá 205,7 triệu USD.
(Theo Zing)