Tờ Economic Times (Ấn Độ) ngày 5/6 đưa tin , bên cạnh việc nâng tầm quan hệ, hai nước đã đạt được 9 thỏa thuận - bao gồm thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần lẫn nhau về quân sự .
Trong bước tiến đáng kể này, Úc và Ấn Độ đã công bố Tầm nhìn chung về hợp tác hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mở ra cánh cửa tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải.
Hợp tác thông qua một thỏa thuận cấp quyền truy cập vào các căn cứ quân sự để hỗ trợ vật tư và thống nhất phát triển chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp như khai thác đất hiếm và khoáng sản, cũng như thảo luận các vấn đề hợp tác kiểm soát đại dịch Covid-19, thảo luận về các vấn đề giáo dục và tài nguyên hàng hải.
Thủ tướng Morrison có lẽ cũng sẽ nhắc lại tới những mong muốn của Canberra trong việc tham gia các cuộc tập trận thường niên Malabar có sự góp mặt của Mỹ và Nhật Bản.
Thủ tướng Úc mới đây chia sẻ "hai nền dân chủ và đối tác chiến lược" Úc-Ấn Độ chính là chìa khóa để mở cửa mối quan hệ "cởi mở và thịnh vượng hơn ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Việc kí kết Thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau có thể sẽ "cho phép các tàu thuyền Úc và Ấn Độ được nạp nhiên liệu tại các cảng của nhau, cùng tham gia những cuộc tập trận hải quân và thậm chí khiến công tác tuần tra trở nên dễ dàng hơn," Ian Hall, thành viên học thuật tại Viện Ấn Độ học, Đại học Melbourne chia sẻ với SCMP.
"Thỏa thuận báo hiệu cho Bắc Kinh rằng các khía cạnh quốc phòng và an ninh của quan hệ đối tác chiến lược song phương vẫn đang được thắt chặt."
Việc thúc đẩy quan hệ hợp tác diễn ra vào đúng thời điểm những căng thẳng thương mại Úc-Trung Quốc leo thang và đối đầu quân sự Ấn Độ-Trung Quốc trên biên giới phức tạp.
Xích lại gần nhau do đâu
Bắc Kinh vào đầu tháng này đã áp đặt mức thuế 80% đối với lúa mạch và đình chỉ nhập khẩu thịt từ bốn lò mổ của Úc. Đây được coi là những động thái đáp trả việc Canberra liên tục thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của Covid-19 .
Các biện pháp được đưa ra ngay sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Úc, ông Thành Cạnh Nghiệp cảnh báo về làn sóng "tẩy chay hàng hóa Úc" và "du học Úc" nếu Canberra tiếp tục muốn điều tra.
Trung Quốc khẳng định các biện pháp thương mại được thực hiện nhằm đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch và chống bán phá giá, bác bỏ các cáo buộc cho rằng đây là hành động trả đũa kinh tế.
Purnendra Jain, Giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Adelaide cho biết, "Úc ngày càng nhận ra sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc trên các phương diện từ thương mại, du lịch và nhất là giáo dục. Các trường đại học Úc quá phụ thuộc vào nguồn học sinh từ Trung Quốc, thậm chí có trường có lẽ sẽ phải đóng cửa nếu như Trung Quốc không cho học sinh sang Úc."
Mặc dù là thành viên của Phong trào Không liên kết – ủng hộ cho một trật tự đa cực công bằng và dựa trên sự hợp tác chứ không phải sự thống trị, Ấn Độ trong những năm gần đây vẫn tìm các tăng cường quan hệ đối tác với những quốc gia kiêng dè Bắc Kinh, tham gia đối thoại "bộ tứ kim cương" với các nước Mỹ, Nhật và Úc vào năm 2007.
Theo cựu Đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản, ông Hemant Krishan Singh, hội nghị [Ấn Độ-Úc] nên "thúc đẩy tiềm năng lớn hơn" vào các nỗ lực duy trì "trật tự trên vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và tăng cường hợp tác an ninh trên vùng biển Ấn Độ Dương.
Đúng mục tiêu đối ngoại của Mỹ về tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Chính quyền Tổng thống Donald Trump được đánh giá là một chiến lược đáng giá cho các chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á.
Tuy nhiên so với các quốc gia khác trong "Bộ tứ kim cương", New Delhi là quốc gia ít phụ thuộc và Washington hơn các nước còn lại.
Hợp tác Úc-Ấn thời gian này có thể coi là tiềm năng cho những kỳ vọng của Mỹ ở châu Á, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang leo thang, Mỹ rục rịch di chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Úc và Ấn Độ được cho là chia sẻ lo ngại chung liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải (Ảnh: PLA)
Những hạn chế vẫn còn
Ngay cả khi các mối quan hệ Úc-Ấn có vẻ được thiết lập ở "quy mô lớn hơn" – như đề xuất trong tuần này của Đại sứ Australia tại Ấn Độ Barry O’Farrell, mối quan hệ này vẫn còn những giới hạn.
Ấn Độ thời gian gần đây đã thể hiện thái độ do dự trong việc đưa ra đường lối cứng rắn và thống nhất về Bắc Kinh so với các nước còn lại trong bộ tứ kim cương.
Theo SCMP, đối với Úc, Ấn Độ khó có thể đưa ra cách khắc phục nào nhanh chóng để giảm bớt sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.
Canberra vẫn đang mong chờ sự tự do thương mại hơn nữa để Úc có thể tiếp cận nhiều hơn với thị trường New Delhi, "các dấu hiệu trên mặt trận thương mại chưa khả quan bởi Ấn Độ gần đây đã công bố kế hoạch tăng trưởng trong nước," ông Hall chia sẻ.
"Tuy nhiên, tôi nghĩ Canberra cần suy nghĩ thực tế hơn về việc Chính phủ ông Modi có thể sẵn sàng tới mức nào trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư."
Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở quy mô. Thương mại hai chiều của Úc với Ấn Độ là khoảng 30 tỷ đô Úc (20.5 tỷ đô Mỹ) vào năm ngoái, trong khí đó giao dịch của Úc với Trung Quốc là 200 tỷ đô.
"Dân số bằng Trung Quốc nhưng nền kinh tế Ấn Độ nhỏ hơn rất nhiều, kinh tế của Ấn đã suy giảm trước Covid-19 và sẽ còn yếu đi," Giáo sư Jain tại trường Đại học Adelaide mô tả Ấn Độ là một "thị trường khó đàm phán". Các doanh nghiệp Úc luôn gặp khó khăn trong việc thâm nhập vào thị trường Ấn.