Giá dầu thế giới tụt giảm xuống mức thấp mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng. Cuộc chiến dầu khí giữa Saudi Arabia, Nga và Mỹ có thể gây ra tình trạng dư cung. Đây chính là nỗi lo mới đối với cả ông Trump và Putin.
Xuyên thủng ngưỡng 20 USD
Giá dầu thế giới tiếp tục tụt giảm và thiết lập một đáy mới khi lần đầu tiên trong 18 năm qua xuyên thủng ngưỡng 20 USD/thùng trong phiên giao dịch 30/3 trên sàn New York.
Cụ thể, vào lúc 22h ngày 30/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 12% xuống còn 22,8 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn phiên này giảm 6,8% xuống 19,9 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu đã giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 20 USD/thùng và đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2002 trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu xuống thấp hiếm có, trong khi cuộc chiến dầu khí giá Saudi Arabia và Nga khiến nguồn cung tăng mạnh.
Dầu giảm giá bất chấp hàng loạt ngân hàng trung ương đã nới lỏng chính sách tiền tệ và tung ra những gói kích thích kinh tế chưa từng có trong lịch sử, trị giá hàng ngàn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế.
Giá dầu WTI đêm qua xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng lần đầu tiên kể từ 2002. |
Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã quyết định hạ mạnh lãi suất đối với các hợp đồng repo đảo ngược như một tín hiệu cho một đợt cắt giảm lãi suất cơ bản khác. Nhưng diễn biến này cũng không đảo ngược xu hướng giảm giá của dầu.
Trước đó, Mỹ đã cắt giảm lãi suất cơ bản 150 điểm phần trăm xuống 0-0,25% và tung gói hỗ trợ kinh tế 2 ngàn tỷ USD. Úc cũng vừa công bố gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử, trị giá gần 80 tỷ USD; Nước Anh cho biết chính phủ đã dành gần 400 tỷ USD cho các khoản vay đối với tất các doanh nghiệp cần kíp; còn Tây Ban Nha cũng đã công bố gói cứu trợ trị giá hơn 200 tỷ euro (gần 220 tỷ USD) để viện trợ trực tiếp cho hàng loạt doanh nghiệp và người lao động…
Tuy nhiên, tất cả vẫn như đá ném ao bèo, không hề tác động tích cực lên giá dầu. Thị trường dầu khí phản ứng tiêu cực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng, với số người chết tại châu Âu đã vượt qua con số 25 ngàn người, số ca nhiễm đang nhanh chóng hướng tới ngưỡng 1 triệu ca. Còn nước Mỹ được cảnh báo có thể chứng kiến 200 ngàn người chết, trong số hàng triệu ca nhiễm Covid-19.
Giá dầu được dự báo sẽ còn chịu nhiều sức ép giảm giá cho tới khi nào dịch bệnh có dấu hiệu chấm dứt.
Trong khi đó, một cuộc chiến dầu khí giữa Saudi Arabia và Nga vẫn tiếp diễn. Nó đe dọa nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào dầu khí như chính nước Nga của ông Vladimir Putin, các nước Trung Đông và cả ngành dầu khí đá phiến của Mỹ, hay ngành dầu khí Canada.
Tổng thống Mỹ Donald Trump giục đồng minh Saudi Arabia và Nga hợp tác cắt giảm sản lượng dầu khí để ngăn chặn giá dầu lao dốc. |
Áp lực lớn đối với Donald Trump, Putin
Trên Marketwatch, chuyên gia phân tích hàng hóa cao cấp Robbie Fraser của Schneider Electric cho rằng, thị trường dầu vật chất đang đối mặt với những điều kiện chưa từng có tiền lệ. Nhu cầu đối với dầu chưa bao giờ giảm nhiều và nhanh như hiện nay.
Tính từ đầu tháng tới nay, giá dầu WTI đã giảm khoảng 56%, trong khi dầu Brent giảm 54%.
Theo các chuyên gia, tình thế hiện nay có lợi cho Saudi Arabia bởi nước này muốn nâng sản lượng để giành thị phần, với vị thế là nhà sản xuất dầu có giá thành thấp nhất. Với mức giá quá thấp như hiện nay, nhiều khả năng Nga sẽ phải nghĩ lại và có một thỏa thuận với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu.
Cuối tuần trước, Saudi Arabia cho biết nước này chưa có các cuộc đàm phán với Nga về sản lượng dầu cung ra thị trường, bất chấp những lời kêu gọi của chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump về việc chấm dứt cuộc chiến giữa 2 ông lớn dầu khí này.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, Nga đã từ chối lời kêu gọi của OPEC về việc tăng cường cắt giảm sản lượng khai thác dầu khí. Saudi Arabia ngay lập tức đã trả đũa bằng việc hạ mạnh giá dầu cho các khách hàng của mình và lên kế hoạch tăng sản lượng.
Thỏa thuận trước đó về việc cắt giảm nguồn cung giữa OPEC và Nga sẽ chính thức hết hạn cuối tháng 3 này. Do vậy, trong vài tuần tiếp theo, theo dự báo, áp lực lên các nhà sản xuất dầu sẽ là rất lớn.
Tuy nhiên, giá dầu đang giảm rất nhanh cho nên thách thức chính đối với các nước này chính là tình trạng đóng cửa các cơ sở sản xuất như thế nào, chứ không chỉ là các tác động về mặt tài chính.
Về mặt lý thuyết, Saudi Arabia có lợi thế và có thể là người chiến thắng cuối cùng nếu cuộc chiến dầu khí kéo dài bởi vương quốc này có nguồn lực tài chính mạnh và có khả năng đi vay nếu cần. Tuy nhiên, nhiều lo ngại cho rằng Saudi Arabia cũng không thể đánh bại những tác động tài chính do cuộc chiến này được khởi động không đúng thời điểm, khi mà thế giới đang đình trệ do dịch Covid-19.
Dầu khí là sức mạnh của ông Putin. |
Với hầu hết các doanh nghiệp trong ngành dầu khí, bao gồm các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ và Canada, thì cuộc chiến dầu khí lần này là một mối đe dọa mang tính tồn tại nhiều hơn, khi mà giá dầu ở mức sát 0 và sản xuất suy giảm.
Một số nguồn tin cho rằng, trong tuần tới, nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump sẽ chứng kiến sự sụt giảm chưa từng có trong lịch sử về số lượng dàn khoan dầu. Theo đó, các nhà khoan dầu Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc dừng khai thác, đóng giếng, bỏ đi và cầu nguyện.
Còn nước Nga của ông Vladimir Putin được cho là sẽ chịu ảnh hưởng lớn do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí. Giá dầu giảm từng khiến nước Nga rơi vào khủng hoảng hồi năm 2014-2015.
Với Saudi Arabia, điều mà nước này cần là nỗ lực cắt giảm sản lượng quy mô lớn từ các quốc gia khác bên ngoài OPEC. Tuy nhiên, ngay cả Saudi Arabia cũng sẽ chịu thiệt hại lớn do giá dầu siêu thấp.
Cùng với đại dịch Covid-19 và cuộc chiến dầu khí, triển vọng của các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới đang ngày càng u ám. Thước đo sức khỏe là các thị trường chứng khoán vẫn không ngừng suy sụp.
M. Hà