Theo dữ liệu về số lượng ô tô cá nhân từ 9 chỗ trở xuống do người dân mua và đăng kiểm lần đầu trong năm 2021 từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hà Nội là địa phương có số người dân mua xe cao nhất, với 50.928 xe; xếp thứ hai là TP. HCM với 32.403 xe; thứ ba là Hải Phòng với 16.996 xe; thứ tư là Nghệ An với 14.628 xe và thứ năm là Bình Dương với 11.096 xe. Thanh Hóa với 10.963 xe, xếp thứ 6.
Khi các dữ liệu này được công bố, Nghệ An là địa phương gây bất ngờ khi không phải là tỉnh có thu nhập vào hàng cao nhưng lại mua xe hơi nhiều. Tuy nhiên, số mua ô tô năm 2021 thì có thể chưa phản ánh được chính xác việc mua sắm ô tô bằng tỷ lệ hộ dân sở hữu xe hơi của các địa phương.
Khi xét về tỷ lệ hộ dân sở hữu xe hơi nhiều nhất theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, thì Nghệ An vẫn nằm trong top 10, xếp hạng cao hơn TP. HCM, đứng ở vị trí thứ 11.
Nếu xét về tỷ lệ sở hữu thì ta còn thấy nhiều tỉnh nghèo có tỷ lệ sở hữu ô tô cao hơn nữa.
Nếu tính chung cả thành thị và nông thôn thì các tỉnh thành có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe hơi cao nhất là Hà Nội (12%), Đà Nẵng (10,7%), Thái Nguyên (10,3%), Quảng Ninh (9,7%) và Vĩnh Phúc (9,5%).
Tuy nhiên, nếu tính riêng vùng thành thị ở các tỉnh, thì khu vực thành thị ở Lào Cai mới là nơi có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe hơi lớn nhất cả nước với tỷ lệ 19,3%. Sau đó là thành thị ở Bắc Giang (19,2%), Thái Nguyên (18,1%), Lạng Sơn (17,7%).
Đáng chú ý, tỷ lệ này sở hữu xe hơi ở đầu tàu kinh tế TP. HCM chỉ là 6,7%, nằm ngoài top 10. Thậm chí, tỷ lệ sở hữu xe hơi ở khu vực thành thị của TP. HCM (7,1%) còn thấp hơn vùng nông thôn ở Vĩnh Phúc (7,2%).
Tổng điều tra dân số nhà ở 2019
Nếu nhìn vào kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 7,019 triệu đồng/người/tháng, nhưng lại chỉ xếp thứ 5 về số mua xe hơi năm 2021 và còn nằm ngoài top 10 về sở hữu xe hơi.
Trong khi Nghệ An, xếp trên Bình Dương về tỷ lệ sở hữu xe hơi, nhưng lại chỉ đứng thứ 47 về thu nhập bình quân đầu người với 3,004 triệu đồng/người/tháng. Lào Cai, đứng thứ 6 về tỷ lệ sở hữu xe hơi nhưng cũng chỉ đứng thứ 56 về thu nhập bình quân đầu người. Lạng Sơn, đứng thứ 9 vè tỷ lệ sở hữu ô tô, đứng thứ 57 về thu nhập bình quân đầu người.
Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại dự báo, ước tính nhu cầu ô tô sẽ tăng 16% so với cùng kỳ trong 2022. Cùng với tỷ lệ sở hữu ô tô còn rất thấp tại Việt Nam và việc Chính phủ giảm 50% phí trước bạ theo Thông tư 103/2021/ND-CP có thể là nền tảng vững chắc cho mức tăng trưởng cao trong năm 2022. Ngoài ra, xu hướng sử dụng xe điện mới tại Việt Nam dẫn đầu bởi những mẫu xe điện của Vinfast sẽ thúc đẩy nhu cầu ô tô tăng cao hơn nữa trong 2022.
Trước đó, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2021, số lượng xe hơi từ 9 chỗ ngồi trở xuống, được người tiêu dùng Việt Nam mua và đi đăng kiểm đạt 318.704 xe các loại, cao hơn mức 296.634 xe của năm 2020 và thấp hơn so với 322.322 xe của năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Con số này bao gồm cả xe sản xuất lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu chính hãng, nhập khẩu không chính hãng, quà tặng quà biếu và kể cả xe cũ nhập khẩu...
Con số này đã đưa Việt Nam vượt qua Philippines để trở thành thị trường xe hơi có quy mô lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia.