Nỗi lo …chậm
Theo báo cáo, tổng kế hoạch vốn thanh toán năm 2022 gần 5.979 tỷ đồng, bao gồm vốn trong nước gần 5.526 tỷ đồng, vốn nước ngoài gần 453 tỷ đồng. Đến hết ngày 31/8, tổng vốn đầu tư công (gồm ngân sách Trung ương và tổng ngân sách địa phương) giải ngân được hơn 2.700 tỷ đồng, đạt 46,9% kế hoạch vốn giao cả năm. Tổng vốn ngân sách địa phương đã giải ngân gần 2.636 tỷ đồng, đạt 48,57%. Giải ngân đầu tư công từ ngân sách cấp tỉnh đạt hơn 726 tỷ đồng, tương đương 36,42% kế hoạch.
Những con số này cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hải Dương hiện nay không bảo đảm tiến độ. Trong khi đó, rất nhiều công trình, dự án đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng nằm chờ vốn. Thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 3 tháng, liệu tỉnh nhà có hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch?
Từ những con số trên có thể thấy việc giải ngân nguồn vốn này ở Hải Dương chậm và đang đứng trước nguy cơ khó hoàn thành trong những tháng còn lại của năm. Nếu Hải Dương không sớm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì hệ lụy của nó sẽ còn ảnh hưởng sang cả những năm tới.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2022 khiến việc hoàn thiện các thủ tục, lựa chọn nhà thầu và tiến độ đầu tư dự án rất chậm, trực tiếp ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư. Nhiều chủ đầu tư trì trệ, chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công. Một số dự án chuyển tiếp và khởi công mới chậm hoàn thiện thủ tục về đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, trình thẩm định, phê duyệt để tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng. Giá cả vật liệu tăng cao gây khó khăn cho nhà thầu xây dựng. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, làm chậm tiến độ thực hiện.
Tổng kế hoạch vốn thanh toán năm 2022 của tỉnh Hải Dương gần 5.979 tỷ đồng, bao gồm vốn trong nước gần 5.526 tỷ đồng, vốn nước ngoài gần 453 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu năm 2022 giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư phải xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu và thực hiện dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt, bảo đảm yêu cầu về chất lượng công trình; đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức giao ban định kỳ hằng tháng với các huyện, thành phố, thị xã, Ban Quản lý dự án và chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tiếp tục rà soát, lập tiến độ thực hiện, kế hoạch giải ngân và cam kết giải ngân vốn năm 2022 theo kế hoạch đã lập của từng dự án (bao gồm cả đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn nếu dự kiến năm 2022 không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn giao); Gửi bản đăng ký tiến độ thực hiện, kế hoạch giải ngân và cam kết giải ngân về cơ quan kế hoạch và đầu tư, tài chính, kho bạc nhà nước để theo dõi thực hiện. Kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022. Trường hợp không hoàn thành giải ngân theo kế hoạch lập (trừ lý do khách quan, bất khả kháng), kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân có liên quan nếu năm 2022 giải ngân không đạt 100% kế hoạch vốn thanh toán..
Quyết tâm “lội ngược dòng”
Chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải là chuyện mới, mà là chuyện của nhiều năm nay mặc dù tỉnh Hải Dương đã có nhiều biện pháp tháo gỡ và đã có những hiệu quả nhất định.
Theo ông Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, quá trình triển khai thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn. Công tác GPMB tại các dự án do Ban làm chủ đầu tư đều đang bị chậm so với kế hoạch, đặc biệt có những dự án vướng mắc nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Hiện nay, giá đất trên thị trường tăng cao làm chi phí hỗ trợ bồi thường, GPMB của các dự án đã khó lại càng khó khăn hơn. Năm 2021 - 2022 cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 nên nhiệm vụ chính trong thực hiện dự án mới là công tác chuẩn bị đầu tư. Từ khi lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi… có nhiều vướng mắc do chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa đồng bộ nên phải điều chỉnh. Ngoài ra, trong quá trình thi công dự án, giá nguyên vật liệu xây dựng, xăng dầu tăng đột biến dẫn đến khó khăn về nguồn cung…
Thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã và đang tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư 30 dự án. Trong số các dự án đang lập, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư còn 8 dự án nằm trong vùng chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt hoặc quy hoạch xây dựng không còn phù hợp. Điển hình như các dự án tạo điểm nhấn đô thị nằm trong quy hoạch khu hành chính công và quy hoạch khu phức hợp y tế đang xem xét điều chỉnh quy hoạch. Khu đất dự kiến đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nằm trong quy hoạch vùng huyện Nam Sách đã được phê duyệt nhưng chưa được cập nhật điều chỉnh quy hoạch chung xã Nam Hồng (Nam Sách). Ngoài ra còn có nhiều vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán khảo sát, thí nghiệm phục vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Giải ngân đầu tư công từ ngân sách cấp tỉnh của tỉnh Hải Dương đạt hơn 726 tỷ đồng, tương đương 36,42% kế hoạch
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phát huy hiệu quả đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công rất cấp thiết.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, trong vài năm trở lại đây, để khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải, không bảo đảm tiến độ theo lộ trình kế hoạch, Trung ương và địa phương đã có nhiều biện pháp rất quyết liệt, hiệu quả. Điển hình như việc chỉ khởi công dự án khi đã bố trí được vốn; kiên quyết điều chuyển vốn cho nơi khác khi địa phương hoặc bộ, ngành nào đó không bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trung ương sẽ xem xét, cắt giảm việc phân bổ vốn đầu tư công cho các tỉnh hoặc các bộ, ngành trong những năm tiếp theo nếu năm trước đó không bảo đảm giải ngân vốn theo kế hoạch mà không có lý do chính đáng. Từ những biện pháp quyết liệt đó của Trung ương, tỉnh Hải Dương càng phải quyết tâm chạy “nước rút” trong giải ngân đầu tư công.