Huyền thoại 90 năm xà bông Cô Ba
Khi nhắc về các thương hiệu Việt "vang bóng một thời", nhiều người hay nói tới kem đánh răng Dạ Lan hay xà bông Cô Ba - những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày được ưa chuộng khoảng đầu thế kỷ XX. Cục xà bông màu xanh mát in hình một người phụ nữ Việt Nam với tóc búi cao, trán rộng từng làm mây làm gió trên thương trường lúc bấy giờ, gắn liền với câu chuyện về doanh nhân Trương Văn Bền.
Ông Trương Văn Bền (1883 - 1956) được sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn), trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Ông mở hãng xà bông Cô Ba từ trước năm 1932, tọa lạc tại số 40 chợ Kim Biên, quận 5 và đặt tên cho công ty là Trương Văn Bền và các con. Xà bông Cô Ba làm từ dầu dừa, xút và hương liệu, nhưng ông có bí quyết mua hương liệu tạo mùi thơm lâu bền. Xưởng của ông ở Chợ Lớn, mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và khoảng 600 tấn xà bông.
Xà bông Cô Ba có lịch sử thương hiệu gần trăm năm (Ảnh: Khổng Chiêm)
Ngoài chất lượng sản phẩm, ông Bền còn có những cách quảng cáo vô cùng ấn tượng thời bấy giờ. Ông cho vận động dùng hàng nội với câu khẩu hiệu "Người Việt Nam nên xài xà bông của Việt Nam", phủ dày đặc lên xe điện, xe hơi, áp phích, áo cầu thủ bóng đá, len lỏi cả vào các thể loại âm nhạc. Thậm chí, ông còn cho người đi thành từng tốp nhỏ, hàng ngày qua các tiệm tạp hóa hỏi mua xà bông Cô Ba để người khác chú ý. Dần dà, sản phẩm của ông được nhiều người biết đến và ghi nhớ, tin dùng.
Ngoài Việt Nam, xà bông Cô Ba được dùng rộng rãi ở Lào và Campuchia, xuất khẩu qua Hong Kong và một số các nước châu Phi.
Đến năm 1977, công ty xà bông Cô Ba chuyển sang hình thức công tư hợp doanh có tên là nhà máy Xà bông Việt Nam. Năm 2004, công ty cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Phương Đông do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nắm giữ hơn 62% vốn. Tới năm 2014, Tập đoàn này thoái vốn hoàn toàn.
Trong cái chuyển giao của thời cuộc và sự cạnh tranh với các sản phẩm dầu gội, sữa tắm thương hiệu ngoại, xà bông Cô Ba mất dần thị phần, không còn được sử dụng nhiều trên thị trường. Công ty Phương Đông cũng ngừng sản xuất sản phẩm này hơn một năm nay.
Mua công ty vì xà bông hay đất?
Vào quý III/2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) công bố mua ít nhất 35% cổ phần chào bán và quyền mua thêm 20% số cổ phần tại Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Phương Đông. Tại báo cáo tài chính năm 2017, HAR chính thức sở hữu 30,88% vốn Phương Đông.
Như đã nói, công ty Phương Đông ở số 40 Kim Biên là đơn vị sở hữu thương hiệu xà bông Cô Ba đồng thời sở hữu khu đất 7.000 m2. Thời điểm HAR mua cổ phần Phương Đông, nhiều hoài nghi về việc doanh nghiệp mua xà bông hay đất? Bởi lẽ, thương hiệu xà bông Cô Ba Sài Gòn không còn xa lạ, có tuổi đời khoảng 90 năm.
Bởi lẽ, đây cũng không phải lần đầu tiên trong năm 2017 HAR thực hiện M&A doanh nghiệp có quỹ đất. Trước đó, HAR đã mua công ty Đảo San Hô, đơn vị sở hữu dự án Nha Trang Coral Beach với quy mô 13,5 ha và mua công ty Cơ khí Ngân hàng đang sở hữu 2 mảnh đất mặt tiền tại quận 5 và quận Phú Nhuận.
Xà bông Cô Ba và khuôn đúc bánh xà bông (Ảnh: Khổng Chiêm)
Ông Nguyễn Nhân Bảo, Tổng giám đốc HAR thừa nhận mua công ty Phương Đông vì sở hữu 3 miếng đất lớn, trong đó có đất tại số 40 Kim Biên. Thực hiện M&A gia tăng quỹ đất là định hướng cốt lõi của HAR. Tuy nhiên, thay vì mua một miếng đất rồi bỏ không, HAR nhắm tới công ty có tiềm năng khai thác khác. Miếng đất 40 Kim Biên hàng năm vẫn cho thuê cửa hàng, kiot, mang lại doanh thu tốt. Doanh thu này làm chi phí trang trải cho các hoạt động M&A và chi phí xin dự án có thể kéo dài hơn 2 năm.
Về xà bông Cô Ba, ông Bảo nói đó là một thương hiệu vừa có ý nghĩa về mặt kinh doanh, đem lại lợi nhuận, vừa có ý nghĩa về mặt lịch sử, là trách nhiệm của doanh nhân trong việc lưu giữ, phát triển. HĐQT đang thiết lập lại, khôi phục nhân sự chủ yếu, trang thiết bị dây chuyền sản xuất, dự kiến ra mắt sản phẩm vào quý II. HĐQT đánh giá đây là mảng kinh doanh tiềm năng.
Làm gì với thương hiệu Cô Ba?
Thừa nhận kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) không phải là thế mạnh của HAR nên ông Bảo cho rằng phương án thực hiện phát triển thương hiệu xà bông Cô Ba là đàm phán, kết hợp với đối tác. Trước mắt, HAR không có kế hoạch mở rộng sản xuất và tham gia thị trường FMCG mà chỉ là kết hợp vực dậy thương hiệu xà bông Cô Ba.
Công ty Phương Đông đã dừng sản xuất hơn 1 năm qua, do đó HAR sẽ cho sản xuất lại vào khoảng tháng 4 – tháng 5 năm nay để đảm bảo tính liên tục của thương hiệu. Cũng theo ông Bảo, sản phẩm xà bông Cô Ba theo khảo sát được đang được chào đón nhiều ở phía Nam, nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Năm 2018, HAR đặt mục tiêu khiêm tốn cho ban điều hành Phương Đông, khôi phục được kênh phân phối truyền thống của thương hiệu Cô Ba và sản xuất ra thị trường. Sau đó công ty sẽ làm marketing, sale phù hợp, đồng thời nghiên cứu các sản phẩm phù hợp thói quen người dùng hơn là chỉ làm xà bông cục. Giai đoạn thử nghiệm này mất từ 1 đến 2 năm.
Giai đoạn sau, HAR sẽ cân nhắc đầu tư lớn hơn để mở rộng mảng FMCG, trở thành công ty đa ngành hay bán cổ phần để hợp tác với đối tác khác.
Tuy nhiên, ông Bảo nói rằng khá tự tin với sự trở lại của thương hiệu xà bông Cô Ba vì chỉ riêng câu chuyện về ông Trương Văn Bền đã là một huyền thoại. Đồng thời, sức nặng của thương hiệu này trong nhận thức của người Việt không hề nhỏ. Khơi dậy được niềm tự hào dân tộc, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp nhu cầu.. thì sản phẩm sẽ tới tay người tiêu dùng và được ưa chuộng trở lại.