Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an vừa cho biết Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành các biện pháp tố tụng đối với 4 đối tượng liên quan vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền... do Cơ quan An ninh điều tra vào ngày hôm nay (9/4).
Cụ thể, Cơ quan công an đã khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam về các tội “Tổ chức đánh bạc” và tội “Mua bán trái phép hóa đơn” đối với Châu Nguyên Anh (1979) - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY) và Phạm Quang Minh (1984) Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY).
Bị can Châu Nguyên Anh trú tại phường Trung Hòa, Hà Nội. Bị can Phạm Quang Minh thường trú tại Yên Lãng, Hà Nội.
VNPT EPAY là một trong các trung gian cung ứng dịch vụ thanh toán không phải ngân hàng đã được cấp phép vào 22/1/2016. Fintech này do Tập đoàn VNPT sở hữu 35% vốn. Ngoài ra, sau thương vụ hồi tháng 7/2017 khi một loạt cổ đông sáng lập VNPT Epay thoái vốn, hơn 65% vốn của fintech này đã thuộc về hai nhà đầu tư Hàn Quốc là Global Payment Service (64,99%) và UTC Investment Co., Ltd (0,83%)
Cùng đó, Bộ Công an khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” đối với Nguyễn Đình Chiến (1976) là Chủ tịch HĐQT Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển HQ Việt Nam, sau đổi tên thành Công ty CP Công nghệ TNC Việt Nam; đồng thời, là Phó Giám đốc Công ty cổ phần CT và T; Phó Giám đốc Công ty Phân phối thẻ Việt Nam.
Cùng tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn” bị can Lê Anh Tuấn (1983) bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú thường trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Bị can Lê Anh Tuấn là Giám đốc Công ty CP Công nghệ TNC.
Thông tin từ Bộ Công an cho biết các đối tượng Châu Nguyên Anh, Phạm Quang Minh, Nguyễn Đình Chiến và Lê Anh Tuấn bị khởi tố điều tra do có liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ nạp tiền đánh bạc bằng thẻ cào cho đường dây tổ chức đánh bạc Rikvip/Tip.club và mua bán trái phép hóa đơn nhằm hợp thức hóa số tiền do phạm tội mà có.
Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã thực hiện các lệnh khám xét nơi làm việc của những bị can trên để thu giữ tài liệu, đồ vật, phương tiện điện tử và dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ án. Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Trước đó, ngày 6/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Phan Văn Vĩnh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do ông Vĩnh đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn giúp bị can Nguyễn Thanh Hóa và bị can Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài RikVip phạm vào Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Game bài Rikvip bắt đầu hoạt động từ ngày 18/4/2015. Để tham gia, con bạc tạo tài khoản và nạp tiền mua điểm ảo trong game, gọi là RIK, thông qua nạp thẻ viễn thông, thẻ game (Zing, Gate, Vcoin, Megacard, GoCoin, Vcard), nạp từ tài khoản ngân hàng hoặc mua trực tiếp qua hệ thống đại lý và có thể quy đổi RIK thành tiền, thông qua bán cho đại lý hoặc hiện vật có giá trị là mã thẻ viễn thông, mã thẻ game, nạp tài khoản điện thoại, thông qua các cổng trung gian thanh toán.
VNPT EPAY, Ngân Lượng, HOMEDIRECT và Giải trí số đóng vai trò là cổng trung gian thanh toán để con bạc có thể sử dụng thẻ cào viễn thông, thẻ game nạp vào game bài.
Để con bạc nạp tiền chơi bạc, các đối tượng tổ chức đường dây đã lập các pháp nhân hợp tác với các cổng thanh toán này; hợp tác với Cổng thanh toán quốc gia NAPAS để con bạc nạp tiền từ tài khoản ngân hàng; phát hành thẻ game Vcard và Gocoin để con bạc nạp tiền chơi bạc.
Theo kết quả điều tra, từ 18/4/2015 đến 29/8/2017 có 42.956.715 tài khoản người chơi thực trên hệ thống Rikvip/ Tip.club (nếu trung bình 1 con bạc có 3 tài khoản thì tổng số tương đương trên 14 triệu con bạc).
Điều 249. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc 1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn; c) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Điều 203. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước 1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên; g) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. |