2020 là năm đầy biến động khiến con tôm hùm của Việt Nam gặp vận hạn, 3 lần chịu cảnh rớt giá; trong khi con tôm sú, tôm thẻ lại có một năm thắng lớn tại thị trường Âu - Mỹ.
Vận hạn của con tôm hùm
Trong tháng cuối năm, ngư dân vùng bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến huyện Phù Cát (Bình Định) vui mừng vì trúng lộc biển. Sau bão, biển động tôm hùm giống xuất hiện dày đặc. Trung bình mỗi thuyền khai thác từ vài chục đến vài trăm con tôm hùm sao giống, có thuyền khai thác được hơn 500 con đến gần 1.000 con tôm hùm xanh giống/đêm, thu về 10-30 triệu đồng/chuyến.
Nhưng niềm vui này không thể bù lại những mất mát của người nuôi tôm hùm trong cả năm qua khi mặt hàng này liên tục rớt giá.
Mở đầu một năm vận hạn là vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm nay khi Covid-19 xuất hiện, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, thị trường xuất khẩu gần như tê liệt làm mặt hàng hải sản này ùn ứ dẫn tới giảm giá mạnh.
Tại vùng nuôi thị xã Sông Cầu (Phú Yên), tôm hùm rớt giá còn khoảng 500.000 đồng/kg, thấp hơn 200.000-300.000 đồng/kg so với trước khi dịch bệnh.
Năm 2020, tôm hùm liên tục rớt giá khiến người nuôi thua lỗ |
Khi đó, ông Nguyễn Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, trước Tết 2020, tôm hùm có giá tốt, khoảng 1,9 triệu đồng/kg nhưng giờ giảm xuống chỉ còn 1,2 triệu đồng/kg; tôm hùm loại nhỏ giá 900.000 đồng/kg giảm còn 600.000-650.000 đồng/kg vẫn không có người mua.
Cuối tháng 3, giá tôm hùm đã nhích lên, tuy nhiên đà tăng chỉ duy trì được ít ngày rồi lại quay đầu giảm tiếp.
Theo người nuôi ở xã Cam Bình (Khánh Hoà), giá tôm hùm xanh thương phẩm loại 3-4 con/kg giảm còn khoảng 520.000-530.000 đồng/kg. Tại tỉnh Khánh Hòa thời điểm đó còn khoảng 360 tấn tôm hùm thịt chưa xuất bán được. Trong đó, riêng TP. Cam Ranh tồn khoảng 350 tấn và huyện Vạn Ninh 10 tấn, chủ yếu tôm hùm xanh.
Theo Chủ tịch xã Cam Bình, nếu giá tôm xanh thương phẩm khoảng 650.000 đồng/kg thì người nuôi chịu lỗ.
Giá tôm hùm giảm và duy trì ở mức thấp mãi cho tới cuối tháng 5 mới bắt đầu tăng trở lại, giúp người nuôi hòa vốn và bắt đầu có lãi. Song, cuối tháng 8 và đầu tháng 9, tôm hùm bước vào đợt giảm giá thứ 3 trong năm vì bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 lần hai. Giá tôm hùm tại các vựa nuôi lại giảm "chạm đáy".
Các chủ nuôi ở Khánh Hòa chia sẻ, giá tôm hùm giảm khoảng 50% so với thời điểm bình thường. Đặc biệt, tôm hùm bông loại dưới 1,5kg giảm tới 60%, giá cân buôn từ 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg.
Lũ bất ngờ tràn về, người nuôi tôm hùm ở Phú Yên mất ngay 63 tỷ đồng |
Cứ tưởng dịch Covid-19 được khống chế, hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại sẽ giúp giá tôm hùm tăng, người nuôi có cơ hội thu lại chút vốn liếng. Nhưng sau khi bão số 12 tan, tối 10/11 lũ tràn về bất ngờ, ầm ầm đổ xuống vùng nuôi tôm hùm khiến tôm bị sốc nước ngọt, chết hàng loạt.
Tại thị xã Sông Cầu, nhiều lồng nuôi tôm hùm bị sóng đánh vỡ, dạt vào bờ, nằm chỏng chơ. Dưới bãi biển, nhiều người hớt hải, bơ phờ đưa những chiếc thuyền thúng chở đầy tôm hùm chết vào bờ. Người nuôi loại hải sản cao cấp này lại khóc ròng vì mất tiền tỷ.
Thống kê từ Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, tại tỉnh này có tới 2.180 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại, người nuôi mất khoảng 63 tỷ đồng.
Tôm sú, tôm thẻ thắng đậm
Trái ngược với số phận của “người anh” tôm hùm, “người em nhỏ” tôm sú, tôm thẻ xuất khẩu lại có một năm khởi sắc, đặc biệt những tháng cuối năm khi thị trường Âu - Mỹ ồ ạt tăng mua.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 10/2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường chính đều tăng trưởng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 39%, sang Trung Quốc tăng 21,5%, EU tăng 42%, Anh tăng 45%, Australia tăng tới 57%, Canada tăng gần 29%...
VASEP cho biết, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU trong tháng 10/2020 đạt 65,4 triệu USD, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nhờ một phần tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA. Lũy kế 10 tháng năm 2020, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 437 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ, EU tăng mạnh |
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU dịp cuối năm dự kiến tiếp tục tăng mạnh. Nhu cầu từ thị trường này tăng cao, tôm Việt lại được hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp điện EVFTA, trong khi EU là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt nên được nhiều doanh nghiệp tập trung xuất khẩu dịp cuối năm.
Số liệu của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, trên thị trường Mỹ, thời gian qua, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc.
Theo Tổng cục Thuỷ sản, sản lượng tôm sú đạt 254,4 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 536 nghìn tấn. Giá tôm nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng cao so với các tháng đầu năm.
Tại Sóc Trăng, giá tôm sú cỡ 20, 30, 40, 50 con/kg lần lượt ở mức 243.000 đồng/kg, 185.000 đồng/kg, 144.000 đồng/kg và 115.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ chân trắng so với tháng trước cỡ 20 con và 30 con/kg lần lượt và 206.000 đồng/kg và 169.000 đồng/kg, tức tăng 10.000-15.000 đồng/kg.
Một chuyên gia trong ngành tôm nhận định, năm nay con tôm cỡ nhỏ của Việt Nam khởi sắc là bởi các cường quốc nuôi tôm trên thế giới lao đao vì Covid-19, nguồn cung suy giảm. Người tiêu dùng trên thế giới thay vì đi nhà hàng thì tăng nhu cầu ăn uống ở nhà, trong khi các doanh nghiệp Việt nhanh nhạy, đẩy mạnh hàng chế biến để phù hợp với thị hiếu mua hàng, đơn hàng cung cấp cho hệ thống bán lẻ tăng mạnh.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, dịch Covid-19 còn tác động trong 1-2 năm tới, song ngành tôm Việt vẫn sẽ an toàn. Với những tín hiệu khả quan, VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2020 dự kiến đạt 3,7 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2019.
T.An