Sau thời gian dài chìm sâu dưới đáy khiến nông dân rơi vào thảm cảnh thua lỗ, nợ nần thì những ngày này, giá hồ tiêu - mặt hàng từng được ví là ‘vàng đen’ của Việt Nam - lại tăng giá dựng ngược, lập kỷ lục mới.
Giá vọt lên đỉnh mới
Không còn cảnh hồ tiêu chín đỏ trên cây mà không buồn thu hái, cũng không còn cảnh ế ẩm, phải bán với giá đáy rồi chịu thua lỗ nặng, ngập trong nợ nần trong suốt 3 năm qua, những ngày này ở thủ phủ hồ tiêu Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai,... người trồng tiêu ai nấy đều phấn khởi, tất bật thu hái “vàng đen” tranh thủ bán lúc giá vọt lên đỉnh mới.
Ông Nguyễn Văn Nam - người trồng tiêu tại xã Lâm San (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) khoe, thương lái vừa nhận mua tiêu giá 73.000 đồng/kg nên ông phải thuê gấp 10 người hái tiêu để kịp bán.
Ông Nam cho biết, vài năm lại đây người trồng tiêu gặp khó vì giá luôn ở đáy. Nhiều nhà vườn không cầm cự được còn phá bỏ để trồng cây khác. Mãi tới cuối tháng 2/2021, giá tiêu cũng chỉ hơn 50.000 đồng/kg, ông không buồn thu hái. Song những ngày này, giá tiêu nhảy vọt lên trên 70.000 đồng/kg nên ai cũng gắng bán nhanh, tránh chờ lâu giá tiêu lại quay đầu giảm.
Giá tiêu tăng dựng ngược giúp nhà vườn thu lãi sau 2 năm ròng giá chạm đáy |
Ông Nam tính toán, với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí thuê nhân công, gia đình ông đã lãi nhẹ. "Dự kiến phải hết tháng 3 gia đình tôi mới thu hái xong. Hy vọng giá tiêu ngày càng tăng để chúng tôi gỡ gạc sau 2 năm ảm đạm, lỗ nặng", ông Nam chia sẻ.
Cố gắng giữ 5 ha tiêu hữu cơ dù suốt 2 năm qua tiêu mất giá, anh Nguyễn Tấn Công ở xã Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai) nay cũng đang tất bật thu hái tiêu trong niềm vui được giá.
“Từ đầu tháng 3 đến nay, giá tiêu tăng chóng mặt, nhà vườn còn không có hàng để bán nên bà con nông dân rất phấn khởi”, anh Công nói.
Với hồ tiêu trồng theo quy trình hữu cơ, giá tiêu thường được các đại lý, nhà thu mua trả cao hơn từ 10.000-15.000 đồng/kg. Anh Công cho hay, hồ tiêu sạch, trồng theo tiêu chuẩn ngày càng được ưa chuộng, có bao nhiêu được mua hết bấy nhiêu.
Khảo sát tại các vùng trồng tiêu chính ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, giá tiêu có xu hướng tăng mạnh từ đầu tháng 3 tới nay và đà tăng chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ trong vòng nửa tháng, giá tiêu tăng vọt lên mức 70.000-73.000 đồng/kg, có nhà vườn còn bán được với mức giá 75.000 đồng/kg.
Đơn cử, giá tiêu tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tăng vọt lên 73.000 đồng/kg (đầu giá). Nếu cộng thêm chất lượng hạt tiêu (các tỷ lệ độ ẩm, dung trọng, tạp chất), thường từ 5.000-6.000 đồng/kg thì 1kg hạt tiêu bà con có thể bán được với giá xấp xỉ 80.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn nhận định, năm nay tiêu bị mất mùa, sản lượng giảm mạnh so với năm ngoái nên giá tiêu có thể còn tăng nữa.
Họp khẩn trước cơn sốt giá
Trước những biến động mạnh của giá tiêu nội địa, cuối tuần qua Ban Chấp hành mở rộng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) - gồm lãnh đạo Hiệp hội và đại diện hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong nước và doanh nghiệp FDI - đã tổ chức họp đột xuất. Tại cuộc họp, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thông tin, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu 2 tháng đầu năm 2021 của cả nước đạt 30.291 tấn, kim ngạch đạt 87,56 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm 25,3%, kim ngạch giảm 6,5%.
Trước cơn sốt giá bất ngờ, chuyên gia khuyên nông dân nên bán ngay, không nên găm hàng |
VPA nhận định, giá hồ tiêu tăng cao như những ngày qua là "bất thường", trong khi giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng. Cụ thể, giá tiêu nội địa liên tục tăng cao, từ mức 56.000 đồng/kg ngày 3/3 tăng đến 70.000 đồng/kg ngày 11/3.
Trước tình hình giá hồ tiêu biến động mạnh, Hiệp hội này cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro.
Đối với những hợp đồng đã ký, nên điều tiết tiến độ mua hàng vì hồ tiêu chưa thu hoạch rộ. Tùy từng doanh nghiệp, có thể thương lượng với khách hàng về thời gian giao hàng hoặc yêu cầu mua thị trường khác thay thế, hoặc thương lượng để bồi thường hợp đồng.
Đối với các địa phương và người nông dân, VPA khuyến cáo cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi giá xuống. Hạn chế tình trạng thấy giá tiêu lên cao lại mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2015-2016.
Các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các sản phẩm xuất khẩu, số lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới khi thu hoạch rộ.
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) - nhận định, giá tiêu tăng trở lại như hiện nay cũng là theo quy luật của thị trường. Sản lượng giảm mà cầu tăng thì ắt giá tiêu sẽ tăng lên. Nếu thị trường tiếp tục diễn biến tốt, sẽ có nhiều hộ quay lại với cây tiêu. Những hộ đang còn tiêu thì sẽ quan tâm vực dậy vườn tiêu.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng trồng tiêu bây giờ không như ngày xưa nữa, phải rút kinh nghiệm từ bài học của những năm vừa rồi. Nhiều khu đất trồng tiêu trước đây do lạm dụng phân bón, thuốc phòng trị bệnh hoá học dẫn tới bị thoái hoá, nhiễm độc. Do đó, nếu quay lại với cây tiêu, đầu tiên bà con phải chọn đất phù hợp, không nên tái canh trên vườn tiêu đã nhiễm bệnh. Tốt nhất nên trồng xen, có thể xen với cà phê, một số cây ăn quả khác", ông Bính nói.
Ninh Tịch