Phải đảm bảo quyền lợi người giử tiền
Phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia làm 5 phương án: Phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản. Như vậy, phá sản ngân hàng cũng được đặt ra, bởi hiện nay, một số ngân hàng yếu kém từ nhiều năm qua, dù đã thực thi một số giải pháp khắc phục như: Kiểm soát đặc biệt, ngân hàng tự khắc phục, giao cho một số ngân hàng có yếu tố nhà nước hỗ trợ… nhưng hiệu quả chưa cao, vì thế, phá sản ngân hàng là biện pháp được cho là cần thiết.
Về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, vấn đề cho hay không cho ngân hàng phá sản đã được bàn từ lâu, phá sản ngân hàng được xem là phương án cuối cùng trong việc xử lý ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, có 2 nguyên tắc quan trọng trong xử lý ngân hàng yếu kém nói chung và cho phá sản ngân hàng nói riêng. Thứ nhất là phải duy trì được sự ổn định của hệ thống tài chính tiền tệ. Thứ hai là phải bảo vệ được quyền lợi của một số bên liên quan, đặc biệt là quyền lợi của người gửi tiền.
Có thể thấy, 2 nguyên tắc trên cần được các cơ quan quản lý triệt để nghiêm túc thực hiện. Bởi nguồn vốn của các DN và các thành phần kinh tế hiện nay phụ thuộc tới 70% vào tổ chức tín dụng, trong khi các nước khác nguồn vốn được chia đều cho các lĩnh vực khác như chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu… Vì thế, nếu phá sản ngân hàng không thận trọng có thể dẫn đến nguồn vốn cho nền kinh tế bị đình trệ, thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh.
Dưới góc độ DN, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty Cổ phần Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) cho hay, DN rất lo ngại ngân hàng phá sản, vì tài chính của DN gửi gắm vào ngân hàng. Cũng theo bà Tuyết, Chính phủ đã tính đến phương án phá sản ngân hàng thì sẽ có giải pháp, cơ chế để bảo đảm DN đỡ rủi ro nhất khi ngân hàng làm ăn kém hiệu quả. Vì thế, các cơ quan quản lý cần thu thập ý kiến của DN về các phương án hợp lý, đền bù rủi ro như thế nào…, giúp DN yên tâm sản xuất.
Sẽ có phương án hợp lý
Mặc dù có nhiều quan điểm đồng tình với phương án phá sản ngân hàng nhưng vấn đề đang được tranh cãi là con số chi trả cho bảo hiểm tiền gửi. Hiện nay, quy định hạn mức chi trả chỉ 75 triệu đồng/người trong khi thực tế một người có nhiều sổ tiết kiệm hoặc gửi giao dịch với số tiền hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Vì thế, nhiều ý kiến lo ngại mức chi trả này không thỏa đáng sẽ gây nguy cơ rút tiền ô ạt tại các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến an toàn an ninh tài chính của toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, hạn mức chi trả này cần được nghiên cứu theo hướng phù hợp hơn.
Nhận định về trường hợp này, theo TS. Võ Trí Thành, việc cho phá sản ngân hàng cần được nghiên cứu trong tình huống, điều kiện kinh tế nhất định: Điều kiện bình thường, điều kiện khủng hoảng, khó khăn… nhằm xây dựng phương án phù hợp. Đặc biệt, vấn đề bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là người gửi tiền cần ở mức hợp lý, không gây ra sự náo loạn đối với thị trường tài chính tiền tệ. TS. Thành cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, về nguyên tắc đúng là hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi sẽ có một mức nhất định, nhưng trong tình hình rối loạn, ngân hàng rơi vào khủng hoảng, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi lại thường không giới hạn hoặc rất lớn.
Đồng quan điểm, ý kiến của các DN cho rằng, hạn mức bảo hiểm nếu là 75 triệu đồng thì quá ít, bởi không thể người gửi 100 tỷ đồng và người gửi 100 triệu đồng đều nhận số tiền đền bù như nhau. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết đề nghị các cơ quan làm chính sách cần nghiên cứu để có phương án đảm bảo quyền lợi khách hàng, người gửi tiền và giữ vững uy tín của toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Trước những lo ngại này của DN và các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có nghiên cứu và báo cáo thêm để các quy định phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là phương án phá sản nên xem là biện pháp cuối cùng khi ngân hàng không thể thực hiện được các phương án phục hồi khác. Do đó, bằng việc tiếp thu ý kiến của các DN, giới chuyên gia, ban soạn thảo luật và các cơ quan quản lý sẽ đưa ra được phương án hợp lý, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.