Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng của TP Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay giai đoạn 2010-2017.
Theo kết luận thanh tra, tại Dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý chủ trương đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) nhưng quá trình thực hiện theo hình thức này gặp khó khăn, UBND TP Hải Phòng có văn bản đồng ý thực hiện dự án với hình thức đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhưng không báo cáo xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi hình thức đầu tư.
Dự án cải tạo nâng cấp đường 356 đội vốn từ 314,9 tỉ đồng lên hơn 1.310 tỉ đồng
TTCP cho rằng sự việc nêu trên là không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm thuộc UBND TP Hải Phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các công trình cầu Hải Phòng.
Bên cạnh đó, việc đề xuất xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các dự án có tính cấp bách, công trình đặc thù, hoặc thực hiện lệnh khẩn cấp, để thực hiện chỉ định thầu, hoặc chỉ định thầu rút gọn theo hình thức thương thảo ký hợp đồng không qua bước lập hồ sơ yêu cầu và thẩm tra hồ sơ đề xuất, nhưng thực tế triển khai thực hiện dự án không có tính chất cấp bách, khẩn cấp như dự án Đê biển Bạch Đằng.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng ban hành quyết định thành lập Ban quản lý Dự án xây dựng trường THPT chuyên Trần Phú là không đúng thẩm quyền. Trách nhiệm thuộc về đơn vị này và UBND TP Hải Phòng.
Đối với công tác quản lý chất lượng công trình, cơ quan thanh tra chỉ rõ, hệ thống quản lý chất lượng công trình chưa đầy đủ, hồ sơ quản lý chất lượng còn thiếu sót, không thực hiện đầy đủ việc kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu đưa vào thi công.
"Không có biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành khi thanh toán, dự toán điều chỉnh được thẩm tra không ghi rõ ngày, tháng; hồ sơ quyết toán không đầy đủ chữ ký xác nhận của các bên liên quan như gói thầu số 8 thuộc dự án Trường THPT Chuyên Trần Phú"- kết luận thanh tra chỉ rõ.
Thanh tra tại dự án cầu Hoàng Văn Thụ, TTCP phát hiện gói thầu số 19 rà phá bom mìn, vật nổ thiếu nhật ký hình ảnh trong hồ sơ nghiệm thu, không có biên bản nghiệm thu thiết bị thi công, không thực hiện kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng.
TTCP cũng kết luận về chủ trương đầu tư của UBND TP Hải Phòng đã không nghiên cứu quy hoạch tổng thể, quyết định đầu tư dự án không phù hợp với thực tế sử dụng như Dự án Đê biển Nam Đình Vũ, phê duyệt năm 2011 với tổng mức đầu tư 998 tỉ đồng, năm 2013 điều chỉnh dự án lên mức 3.248 tỉ đồng. Đến nay, chủ đầu tư đã làm thủ tục chấm dứt thực hiện các gói thầu của dự án. Tuy nhiên, gói thầu rà phá bom mìn vật liệu nổ đã thực hiện với chi phí 71 tỉ đồng, cùng với các gói thầu tư vấn khác gây lãng phí vốn đầu tư.
Cơ quan thanh tra khẳng định việc xác định cơ cấu nguồn vốn không đúng, không có cơ sở, việc quyết định đầu tư vượt khả năng cân đối vốn, dẫn đến triển khai dự án gặp khó khăn, chậm tiến độ kéo dài, đầu tư dài trải, hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí ngân sách nhà nước và nợ đọng xây dựng ở nhiều dự án, trong đó có một số gói thầu xây lắp đã phải dừng thi công.
Nhiều dự án đội vốn ngàn tỉ
TTCP xác định công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của TP Hải Phòng giai đoạn 2010-2017 còn nhiều thiếu sót. Trong đó, tình trạng chung ở các dự án là tăng vốn từ vài trăm tỉ đến cả ngàn tỉ đồng, thậm chí hơn 2.000 tỉ đồng.
Điển hình như dự án nâng cấp cải tạo đường 356 (từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ) điều chỉnh theo Quyết định số 2164 của UBND TP Hải Phòng, nâng tổng mức đầu tư từ 314,9 tỉ đồng lên hơn 1.310 tỉ đồng.
Dự án kiên cố hóa và điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đê tả Lạch Tray được phê duyệt từ năm 2010 với tổng đầu tư hơn 182 tỉ đồng nhưng 4 năm sau, ở thời điểm dự án đã cơ bản hoàn thành theo tiến độ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự toán công trình lên 2.082 tỉ đồng. Đáng chú ý, dự án đầu tư xây dựng đường bao phía Đông Nam quận Hải An do UBND quận Hải An làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 886 tỉ đồng. Sau khi điều chỉnh, chiều dài tuyến đê giảm đi nhưng tổng mức đầu tư lại tăng lên hơn 2.066 tỉ đồng (tăng hơn 1.180 tỉ đồng).
Đội vốn "kỷ lục" phải kể đến dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu Kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, do Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng làm chủ đầu tư. Mức đầu tư dự án này được điều chỉnh từ hơn 998 tỉ đồng lên hơn 3.248 tỉ đồng (tăng hơn 2.250 tỉ đồng). Trong khi đó, các gói thầu thuộc dự án chưa triển khai, đến thời điểm thanh tra đã dừng thực hiện do không bố trí được vốn đầu tư và tiếp tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch.
Qua thanh tra, TTCP kết luận tổng giá trị sai phạm đề nghị giảm trừ là hơn 59,171 tỉ đồng. Trong đó, đề nghị giảm trừ khi phê duyệt dự toán công trình các dự án cầu Hàn, cầu Đăng Hải Phòng với giá trị hơn 15.971 tỉ đồng; giảm trừ khi thanh - quyết toán ở 13 dự án còn lại với giá trị hơn 43,2 tỉ đồng.