Theo JLL, Việt Nam đang trên đà tăng tốc trong vài năm qua với tham vọng bứt phá trở thành trung tâm công nghiệp của Đông Nam Á (ĐNA), và hiện nay, Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các công ty muốn dịch chuyển trụ sở kinh doanh ra khỏi Trung Quốc; nhờ vào nhiều yếu tố thuận lợi bao gồm: vị trí chiến lược, môi trường kinh doanh thân thiện và chi phí lao động thấp.
Với tuyến đường biển dài hơn 3.200 km dọc theo Biển Đông, Việt Nam là quốc gia sở hữu vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, có khả năng tiếp cận các tuyến hàng hải lớn trên thế giới, trong đó, cụm cảng biển tại Hải Phòng chiếm hơn 30% trong tổng sản lượng hàng hóa đường biển của cả nước.
Với bức tranh thị trường khu công nghiệp hiện nay, JLL cho rằng, Hải Phòng đang phát triển thành một trung tâm công nghiệp toàn cầu và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của miền bắc Việt Nam. Thị trường BĐS công nghiệp Hải Phòng phát triển mạnh mẽ thời gian qua.
JLL chỉ ra các lợi thế của Hải Phòng, cụ thể:
Vị trí: Quá trình đô thị hóa nhanh chóng thúc đẩy sự tăng trưởng của Hải Phòng, với hơn 2 triệu cư dân sinh sống và làm việc, đây là thành phố lớn thứ ba tại Việt Nam sau Tp.HCM và Hà Nội. Nằm trên hành lang kinh tế chính, dọc theo khu vực ven biển phía đông bắc, Hải Phòng được định hướng trở thành cửa ngõ chủ chốt cho hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực phía Bắc, hỗ trợ các doanh nghiệp có được khả năng tiếp cận đường biển dễ dàng nhằm vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu.
Sự hỗ trợ từ chính phủ: Chính phủ đã thể hiện cam kết hỗ trợ để thúc đẩy sự tăng trưởng theo cấp số nhân của Hải Phòng, bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi thuế hấp dẫn, mở đường cho thành phố trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Phòng là minh chứng cho nỗ lực lớn của chính quyền trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần làm gia tăng thêm sức hấp dẫn của Hải Phòng.
Cơ sở hạ tầng phát triển: Cơ sở hạ tầng là một điểm sáng đáng kể của thành phố với ba dự án cốt lõi đã đi vào hoạt động, bao gồm đường cao tốc dài 105.5 km nối Hải Phòng với Hà Nội, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyền dài 10,19 km và cầu vượt biển Đình Vũ - Cát Hải có chiều dài dài nhất ĐNA lên đến 5,44 km. Thêm vào đó là tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa tỉnh phía bắc của Lào Cai và Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (HIGP) xuống chỉ còn khoảng sáu giờ.
Điểm nóng đầu tư công nghiệp: Với vị trí cách biên giới Trung Quốc khoảng 200 km, Hải Phòng được xem là trung tâm sản xuất tiềm năng của ASEAN trong chiến lược Trung Quốc+1, có khả năng tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại giữa Trung Quốc-ASEAN.
Hải Phòng còn được coi là điểm nóng đầu tư trong thời gian qua khi thu hút lượng lớn vốn FDI đổ về cộng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cùng tiềm năng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tiên tiến. Vùng kinh tế Hải Phòng mang đến vô số lợi ích cho những công ty đến đây thiết lập trụ sở, góp phần làm thành phố này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc của JLL Việt Nam cho biết: Trên thế giới có rất nhiều thành phố cảng tương tự như Hải Phòng như London và Amsterdam. Khi được phát triển thành công, những thành phố này có thể thúc đẩy phát triển kinh tế và đóng vai trò kết nối quan trọng giữa vận tải đường biển và đường bộ.
Trong đó, Hải Phòng hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để thực sự phát triển thành một thành phố cảng toàn cầu và với việc tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống quản lý giao thông của thành phố, cải thiện đường sắt và đường thủy nội địa, tăng năng suất lao động, cải tiến và quản lý hiệu quả các thủ tục hành chính, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và nắm bắt sự đổi mới và công nghệ.