Tổng cục Hải quan đã có kết luận cuối cùng xử lý kiến nghị phân loại mặt hàng gỗ cao su dạng tấm, theo đó phân loại mặt hàng thuộc nhóm 44.18 với thuế suất 0%.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan nhận được một số vướng mắc của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định liên quan đến việc phân loại mặt hàng gỗ cao su ép dạng tấm tại Thông báo kết quả phân loại số 4250/TB-TCHQ ngày 24/6/2020.
Trước đó, tại Thông báo này, Tổng cục Hải quan cho rằng mặt hàng của các doanh nghiệp kể trên phải áp mã 44.07 với thuế xuất khẩu là 25%.
Mặt hàng này được hưởng thuế 0%. |
Xem xét quy trình sản xuất do các công ty cung cấp tại buổi đối thoại và thông tin bổ sung quy trình sản xuất tại công văn số 2920/XNK ngày 29/6, Tổng cục Hải quan cho rằng mặc dù mặt hàng chưa phải sản phẩm với mục đích sử dụng cuối cùng (mặt bàn, cầu thang, ván lót sàn,... ) nhưng là sản phẩm tấm gỗ đã hoàn chỉnh qua 14 bước bắt đầu từ thanh gỗ. Mặt hàng cũng có thể coi là dùng được ngay đối với sản phẩm gỗ, nhưng để thành sản phẩm với mục đích sử dụng cuối cùng cần trải qua một số công đoạn gia công, chế biến thêm.
Ngày 31/7, Bộ NN-PTNT có công văn đề nghị phân loại mặt hàng thuộc nhóm 44.18 với thuế suất 0%.
Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Cục Kiểm định hải quan cũng cho rằng có thể xem xét áp dụng phân loại mặt hàng kể trên thuộc nhóm 44.18.
Bộ Tài chính thống nhất với Bộ chuyên ngành là Bộ NN-PTNT phân loại mặt hàng thuộc nhóm 44.18 là phù hợp.
Căn cứ quy trình sản xuất, Tổng cục Hải quan nhận xét mặt hàng này chưa đủ cơ sở loại trừ thuộc nhóm 44.07 và chưa đủ cơ sở phân loại thuộc nhóm 44.18 như đề nghị của hiệp hội, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để tránh xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, Tổng cục Hải quan thống nhất phân loại mặt hàng này thuộc nhóm 44.18 là “Đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả tấm gỗ có lõi xốp, tấm lát sàn đã lắp ghép và ván lợp (shingles and shakes)”.
Với kết luận này, hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp đang xuất khẩu mặt hàng này tạm thoát nỗi lo bị đánh thuế cao.
L.Bằng