Zeng Yuqun, người sáng lập của nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới Contemporary Amperex Technology Co. Ltd. (CATL) và phó chủ tịch Huang Shilin vừa trở thành tỷ phú sau khi giá cổ phiếu công ty tăng vọt sau phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Thâm Quyến.
Trong phiên giao dịch ngày 11/6, giá cổ phiếu CATL đã tăng 44% - mức tối đa được phép trên sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, đưa giá trị vốn hóa của công ty lên khoảng 12,3 tỷ USD.
Theo đó, tài sản của người sáng lập, cũng là cổ đông lớn nhất của công ty - Zeng Yuqun, tăng vọt lên 3,4 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Các nhà đầu tư đang tỏ ra lạc quan trước khả năng CATL có thể đánh bại các đối thủ như Panasonic Corp. - sản xuất bộ sạc pin hợp tác với Tesla Inc.; BYD Co - công ty được tỷ phú Warren Buffett đầu tư và LG Chem Ltd. Việc xe điện ngày càng trở nên phổ biến đã đẩy nhu cầu pin tăng cao.
CATL trước đó đã giảm một nửa quy mô của đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) so với dự kiến ban đầu do lợi nhuận giảm và quy định của chính phủ Trung Quốc về tỷ lệ P/E trong IPO.
Sau IPO, CATL trở thành công ty lớn nhất trong nhóm chỉ số ChiNext (tương tự như Nasdaq) của Trung Quốc.
Zeng, 50 tuổi, thành lập CATL 7 năm trước, hiện sở hữu 26% cổ phần công ty. Trong khi đó, phó chủ tịch Huang Shilin sở hữu tài sản ước tính 1,7 tỷ USD với 12% cổ phần.
Ngân hàng Macquarie Bank Ltd. tại Hồng Kông đã xếp hạng cổ phiếu CATL ở mức "vượt trội" (outperform) và đặt dự báo giá 90 Nhân dân tệ cho cổ phiếu này, gần gấp ba mức giá đóng cửa 36,2 Nhân dân tệ của phiên 11/6.
CATL, là nhà cung cấp pin xe điện cho các nhà sản xuất như Volkswagen AG, Nissan Motor Co., Hyundai Motor Co. và BMW AG. Năm ngoái, công ty này đã vượt qua Panasonic trở thành nhà cung cấp pin xe điện lớn nhất thế giới theo doanh số nhờ nhu cầu tại Trung Quốc tăng mạnh.
Theo một báo cáo của Bloomberg New Energy Finance (BNEF), các chính sách hỗ trợ hào phóng của chính phủ cùng với việc hạn chế xe chạy dầu tại một số thành phố sẽ giúp nhu cầu pin xe điện tại Trung Quốc tăng gấp 4 lần trong vòng 4 năm tới. Theo BNEF, CATL đang ở vị thế tốt nhất với những lợi thế về năng lực sản xuất và cơ sở khách hàng.
Tuy nhiên, công ty này vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Sau khi chính phủ giảm hỗ trợ cho lĩnh vực xe điện, CATL đã phải giảm giá pin để giành thị phần, động thái khiến lợi nhuận công ty giảm mạnh.
CATL cho biết sẽ sử dụng số tiền huy động được sau IPO để mở nhà máy sản xuất pin 24 gigawatt-giờ mới tại Ningde và phát triển công nghệ pin tiên tiến hơn.
CATL cũng đang đầu tư vào các công ty khác trong hệ sinh thái xe điện. Công ty này là một trong các nhà đầu tư tham gia vòng gọi vốn mới nhất của startup ôtô điện Byton của Trung Quốc - được thành lập bởi một số nhân vật kỳ cựu từ BMW.
Tại châu Âu, CATL đang xem xét việc xây dựng một nhà máy ở Đức, đặt dấu chân trên quê hương của các hãng xe lớn như Volkswagen, BMW và Daimler AG, nguồn tin của Bloomberg cho biết.