Theo báo cáo tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở vào khoảng 60 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 65 tỷ USD. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, điều này hàm ý rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sử dụng 5 tỷ USD để can thiệp hỗ trợ đồng.
Tính đến cuối tháng 10, tỷ giá giao dịch của ngân hàng tăng 2,8% trong khi tỷ giá tự do đã vượt qua ngưỡng 3%. Sự biến động của tỷ giá hối đoái có liên hệ mật thiết tới việc chi phí vay ngắn hạn cao hơn của USD và VND trên thị trường liên ngân hàng.
Những yếu tố chính chi phối tỷ giá hối đoái liên quan đến biến động của đồng Nhân dân tệ và Đô la Mỹ. Hiện tại, Nhân dân tệ có thể sớm chạm đến ngưỡng 7. Trong khi đó, chỉ số US Dollar nằm trong khoảng 96-97 điểm khi đồng Euro suy yếu do rủi ro địa chính trị như đàm phán Brexit và ngân sách của nước Ý.
Các chuyên gia phân tích của VDSC lưu ý các nhà đầu tư, vào tháng 11 cần theo dõi hai sự kiện quan trọng, bao gồm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 11 và cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 30 tháng 11.
Nhà đầu tư nhìn chung vẫn còn dè dặt với rủi ro tỷ giá và giữ USD bất cứ khi nào thị trường ngoại hối trở nên hỗn loạn. Trong năm 2015, Ngân hàng nhà nước đã chi 5 tỷ USD nhằm can thiệp thị trường ngoại hối sau khi đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh. Tại thời điểm này, Ngân hàng nhà nước đã thành công trong việc tiết chế kỳ vọng của các nhà đầu tư.
"Tuy nhiên, biến động hiện tại của tỷ giá khá khác biệt và có phần nghiêm trọng hơn trước. Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy Đồng mất giá hơn 3% vào năm 2019 trong kịch bản chiến tranh thương mại leo thang", VDSC nhận định.