Theo các chuyên gia Công ty AFA Capital, năm 2024 kinh tế toàn cầu được tóm gọn trong tiêu đề: "Tăng trưởng thấp - Lạm phát thấp".
Các chuyên gia của AFA Capital vừa công bố Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2024. Theo báo cáo này, kinh tế thế giới sẽ chia ra hai thái cực: Sự phân hóa trong chính sách tiền tệ trong năm 2023 khi Mỹ và Châu Âu duy trì thắt chặt với mục tiêu kiểm soát lạm phát, trong khi đó Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, năm 2024 là năm của những cuộc bầu cử và năm mà nhiều khả năng chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung Ương lớn nhất thế giới sẽ có sự đảo chiều.
Theo AFA Capital, nền kinh tế của Mỹ sẽ giảm tốc trong năm 2024 tuy nhiên khả năng suy thoái (GDP tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp) là thấp do: Chi tiêu suy yếu trong năm 2024 khi tiết kiệm thặng dư từ thời COVID 19 đã hết đi và thu nhập khả dụng giảm cùng với các gói hỗ trợ tiêu dùng hết hạn; Chi tiêu chính phủ thu hẹp do thâm hụt ngân sách tăng cao dẫn đến hạn chế những gói kích thích và mở rộng tài khóa cho năm 2024; Đầu tư khu vực tư nhân sẽ hạ nhiệt dần ở các cấu phần không liên quan đến phát triển công nghệ; Thương mại toàn cầu sẽ duy trì ổn định tuy nhiên vẫn duy trì mức thấp do các xu hướng Friend-Shoring và tổng cầu thấp.
AFA Capital cho rằng, lãi suất tại Mỹ sẽ bắt đầu giảm vào cuối quý II hoặc đầu quý III sau khi có những tín hiệu lạm phát về gần mức mục tiêu 2% của FED hoặc nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy yếu đi kèm với thất nghiệp tăng mạnh thì FED sẽ bắt đầu can thiệp thông qua hạ lãi suất quỹ liên bang và có thể giảm mức độ Thắt chặt định lượng (QT).
Lạm phát tính theo CPI của Mỹ tiếp tục giảm trong tháng 11 khi CPI cơ bản (Headline) giảm về 3,1% và CPI lõi tiếp tục duy trì ở mức 4%. AFA cho rằng nhiều khả năng lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024 do: Giá năng lượng đã hạ nhiệt trong những tháng cuối năm 2023, trước đó do xung đột giữa Israel và Hamas đã khiến cho giá năng lượng tăng mạnh do rủi ro gián đoạn nguồn cung năng lượng tại khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên hiện nay rủi ro địa chính trị từ khu vực Trung Đông đã được hấp thụ hết và bị lấn át bởi kỳ vọng kinh tế toàn cầu yếu đi trong năm 2024 khiến cho giá năng lượng duy trì mức thấp; Thị trường lao động tại Mỹ được dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm 2024 khi lãi suất cao và kéo dài bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế Mỹ. Điều này sẽ làm giảm đi nhu cầu tiêu dùng.
Hiện tại Thị trường đang kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất về mức 4% trong năm 2024 và bắt đầu giảm từ tháng 3/2024. Kỳ vọng này cũng được thể hiện vào nhiều chỉ số như lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, chỉ số sức mạnh đồng Dollar Mỹ - DXY đều giảm mạnh sau khi có những thông điệp “Bồ câu” hơn từ ông Jerome Powell - Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ trong cuộc họp tháng 12 và trong biểu đồ Dot Plot tháng 12/2023.
Lợi suất trái phiếu giảm cũng khiến cho áp lực suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ từ hạ cánh cứng có thể chuyển sang hạ cánh mềm khi các điều kiện tài chính bớt thắt chặt. Các tài sản tài chính khác cũng được hưởng lợi nhờ kỳ vọng “Hạ cánh mềm và FED giảm lãi suất”.
Theo AFA nền kinh tế Châu Âu sẽ có sự phục hồi nhẹ , GDP năm 2024 sẽ ở mức 0,7%-1% so với năm trước, do:
Thu nhập thực tế dự kiến tăng do tăng trưởng lương trong năm 2023 và tăng thu nhập khả dụng sẽ làmột trong những động lực lớn nhất dẫn đến sự phục hồi trong năm 2024, điều này đặt trong bối cảnh lạm phát tiếp tục giảm sẽ thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.
Trong năm 2024, nhiều khả năng ECB sẽ giảm lãi suất chính sách trong Quý II và Quý III/2024 với mục tiêu hỗ trợ sự phục hồi của kinh tế Châu Âu. Lãi suất giảm sẽ giúp cho tâm lý và nhu cầu sản xuất của nhóm ngành công nghiệp tại Châu Âu phục hồi đặc biệt khi nhóm ngành này đã có những dấu hiệu tạo đáy trong năm 2023.
Bên cạnh đó Nguồn vốn đầu tư có thể tăng trong năm 2024 do được hỗ trợ từ Nguồn vốn từ Quỹ Phục hồi Châu Âu (RRF) trị giá 728 tỷ Euro.
AFA nhận định, nhìn chung lạm phát của khu vực châu Âu sẽ giảm trong năm 2024 khi tất cả các thành phần của lạm phát ngoài năng lượng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian còn lại của năm và trong nửa đầu năm 2024.
Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu và khu vực đồng euro yếu sẽ hạn chế áp lực từ phía cầu, trong khi tác động tăng lên của chi phí năng lượng cao hơn đối với giá hàng hóa và dịch vụ sẽ tiếp tục giảm bớt so với năm 2023. Kỳ vọng lạm phát chung và lạm phát cơ bản sẽ đạt mục tiêu 2% của ECB vào khoảng QIII-QIV năm 2024.
Lạm phát giảm sẽ tạo điều kiện cho Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu bắt đầu đảo chiều chính sách tiền tệ của mình từ thắt chặt sang bắt đầu có dấu hiệu nới lỏng hơn vào QIII/2023 để hỗ trợ kinh tế phục hồi.
AFA cho rằng năm sau sẽ vẫn là 1 năm khó khăn đối với nền kinh tế Trung Quốc khi:
Áp lực đến từ việc thị trường Bất Động Sản tiếp tục đóng băng và trái phiếu của chính quyền địa phương tăng cao vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn.
Ba năm trước, chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách 3 lằn ranh đỏ bằng cách đặt ra các chỉ tiêu cho những doanh nghiệp phát triển Bất Động Sản để giảm thiểu sự ảnh hưởng của thị trường Bất Động Sản Trung Quốc đến nền kinh tế: Tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản dưới 70%; Tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100%; Tiền mặt phải lớn hơn hoặc bằng với nợ ngắn hạn.
Tuy nhiên cho đến hiện tại những gì Trung Quốc nhận được là một cuộc khủng hoảng bất động sản đã phá hủy tài sản của các hộ gia đình ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến hàng loạt doanh nghiệp phát triển Bất Động Sản phá sản. Lĩnh vực Bất động sản đã chuyển từ thúc đẩy tăng trưởng GDP sang làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP . Theo tính toán dựat rên dữ liệu chính thức, sản lượng của nước này đã giảm 51 tỷ nhân dân tệ trong ba quý đầu năm 2023, sau khi giảm 340 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái 2022. Bên cạnh đó khủng hoảng bất động sản còn tước đi rất nhiều nguồn thu của chính quyền địa phương khiến cho cơ cấu nợ công của Trung Quốc gặp nhiều áp lực.
Niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện nếu không có thêm các chính sách hỗ trợ, bên cạnh đó tiêu dùng vẫn sẽ duy trì khó khăn khi tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình vẫn đang tăng lên.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và Dòng vốn FDI đang rút khỏi Trung Quốc do sự phát triển của xu hướng thương mại “Friend-Shoring” .
Chính phủ Trung Quốc khó có thể đưa ra những gói hỗ trợ mạnh mẽ do mức độ thâm hụt ngân sách tăng cao trong năm 2023 5. Trong kịch bản tích cực PBOC có thể tiếp tục giảm lãi suất chính sách sau khi áp lực tỷ giá hạ bớt trong Q2 hoặc Q3/2024.
AFA Capital cho rằng năm sau sẽ vẫn là 1 năm bước ngoặt đối với nền kinh tế Nhật Bản và Quý 1 chúng ta sẽ cần quan tâm đến Nhật Bản do:
Hội nghị tăng lương Shunto hàng năm diễn ra vào cuối Quý 1 hàng năm là 1 chính sách để thúc đẩy tăng trưởng của Nhật Bản, AFA, kỳ vọng lương cơ bản sẽ tăng 2,5% trong năm 2024 từ đó giúp thúc đẩy tiêu dùng của Nhật Bản trong năm 2024.
Lạm phát vẫn sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 tại Nhật Bản khi đây là điều họ đã hướng tới suốt từ thập kỷ mất mát là môi trường kinh tế và chính sách tiền tệ bình thường.
Kỳ vọng BOJ sẽ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất vào tháng 4/2024 và đưa ra những thông điệp rõ ràng hơn với xu hướng thắt chặt tiền tệ trong nửa sau của năm 2024. Kỳ vọng BOJ sẽ dần chuyển sang lãi suất dương từ tháng 10 năm 2024.
Trong cuộc họp chính sách ngày 31/10/2023, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định tiếp tục điều chỉnh chương trình kiểm soát lợi suất hiện nay từ điều hành cứng sang can thiệp vào lợi suất của Trái phiếu Chính phủ Nhật Bản một cách linh hoạt hơn.
Trước đó, kiểm soát lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm ở mức 1% và sẽ mua bán can thiệp tại mức cố định này. Sau cuộc họp ngày 31/10, mốc 1% sẽ trở thành 1 mốc tham chiếu chứ không còn là mốc can thiệp cứng của BOJ. Điều này hàm ý rằng Nhật Bản sẽ có thể để lợi suất Trái phiếu Chính phủ của mình cao hơn trong tương lai và kết thúc chính sách lãi suất âm. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát tại Nhật Bản đang tăng trở lại vượt trên mức mục tiêu 2%.