Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thô trong năm 2024 đạt 21,98 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ thép thô nội địa và xuất khẩu đạt 21,41 triệu tấn, cũng tăng 14% so với năm trước.
Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 29,443 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2023. Trong đó, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tăng 23,1%, thép xây dựng tăng 10,1%, ống thép tăng 3,5% và HRC tăng 1,5%. Duy nhất sản xuất thép cuộn cán nguội ghi nhận mức giảm 19,4%.
Thị trường thép Việt Nam năm 2024 đã cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực, với sản lượng và xuất khẩu tăng trưởng. Tuy nhiên, ngành thép vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trong đó phải cạnh tranh với thép nhập khẩu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đến các vụ kiện chống bán phá giá.
Do vậy, bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép cũng là những gam màu sáng - tối đan xen. Dữ liệu thống kê lợi nhuận sau thuế năm 2024 của 9 doanh nghiệp thép của PV Dân Việt cho thấy có 7 doanh nghiệp tăng trưởng và 2 doanh nghiệp "đi lùi" về lợi nhuận.
Dẫn đầu danh sách lợi nhuận là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) với lãi sau thuế ghi nhận 12.020 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2023 và vượt 20% kế hoạch lãi năm.
Theo ngay sau là Tập đoàn Hoa Sen với lợi nhuận sau thuế cả năm 2024 đạt 510 tỷ đồng, gấp 17 lần so với năm trước. Với kết quả này, Hoa Sen vượt kế hoạch năm đề ra ở cả hai kịch bản cho niên độ tài chính 2023-2024.
Xếp thứ ba là Thép Nam Kim với lợi nhuận lũy kế cả năm 2024 ở mức 453 tỷ đồng, tăng 287% so với năm 2023. Riêng quý IV/2024, Thép Nam Kim lãi sau thuế vỏn vẹn 18,4 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ do các chi phí tăng cao, "ăn mòn" lợi nhuận của doanh nghiệp, ghi nhận quý có lợi nhuận thấp nhất trong 7 quý gần đây.
Theo giải trình của Thép Nam Kim, doanh thu trong quý tăng trưởng nhờ đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Sản lượng sản xuất tăng giúp chi phí sản xuất bình quân giảm làm tăng biên lợi nhuận. Tuy nhiên chi phí bán hàng cũng tăng do tăng lượng bán hàng và chi phí vận chuyển; chi phí tài chính cũng tăng do chi phí lãi vay tăng và biến động tỷ giá.
Trong khi đó, ở thái cực còn lại, Thép Tiến Liên là doanh nghiệp lỗ nặng nhất trong năm qua với khoản lỗ gần 600 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp âm hơn 22 tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh đến từ nhiều nguyên nhân: sản lượng tiêu thụ thép giảm dẫn đến doanh thu giảm, phải trích lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trong khi chi phí tài chính tăng 42% do nhu cầu vốn vay tăng cao.
Ngoài ra, CTCP Đầu tư Thương mại SMC giảm lỗ 69% so với năm 2023 về mức 286,7 tỷ đồng. Lý giải về kết quả này, SMC cho biết, do thị trường thép vẫn còn nhiều khó khăn: giá thép giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước kém do ngành bất động sản chưa thực sự ổn định, hồi phục..., ảnh hưởng xấu và trực tiếp đến sản lượng, doanh thu.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính cho biết, mức lỗ năm 2024 đã giảm nhiều so với các năm trước đó nhờ công ty tiết giảm chi phí, tăng doanh thu từ hoạt động chứng khoán, cổ tức,...
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này, mức thuế là 25% không có ngoại lệ hay miễn trừ.
Trong năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, chiếm 13% thị phần, đứng sau ASEAN (26%) và EU (23%), nên giới phân tích nhận định, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước là không đáng kể.
Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát, Hiệp hội Thép Việt Nam thống kê cho hay, tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm 30% tổng doanh thu. Trong đó, thị trường Mỹ đóng góp 5-10%, tương đương mức rất nhỏ, chỉ 2-3% doanh thu.
Một số chuyên gia nhấn mạnh rằng, "thuế quan" chỉ là công cụ đối ngoại cho tham vọng “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng Thống Donald Trump.
Trong khi đó, vấn đề đối với Việt Nam chỉ gói gọn trong việc “thâm hụt thương mại” chứ không phải các yếu tố khiến Việt Nam lọt "tầm ngắm" chính sách thuế quan của chính quyền Trump 2.0. Do vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, xác suất áp thuế quan lên Việt Nam trong năm 2025 là rất thấp.
Chuyên gia Lê Hải Thành của Chứng khoán MB kỳ vọng sự gia tăng nguồn cung nhà ở và đầu tư công trong năm 2025 sẽ là yếu tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng sản lượng thép; khi các vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản được tháo gỡ bởi các luật mới liên quan và một số dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ xây dựng như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành...
Với triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản, vị chuyên gia cũng cho rằng giá thép xây dựng Việt Nam sẽ có tăng trưởng tích cực từ quý 4/2024. Giá thép xây dựng năm 2024 dự báo đạt trung bình 551 USD/tấn (giảm 2% so với cùng kỳ) do áp lực từ thép Trung Quốc trong nửa đầu năm nhưng sẽ phục hồi trong giai đoạn 2025-2026, với mức tăng dự kiến 7% và 8% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, chuyên gia Lê Hải Thành kỳ vọng việc thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và thép HDG có thể được áp dụng vào năm 2025, giúp thị phần của các nhà sản xuất trong nước có thể cải thiện.