Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng đã có các nghiên cứu chỉ ra những động vật hoang dã như rắn, dơi, tê tê có khả năng là vật chủ trung gian truyền virus corona.
Trước tình trạng lây lan nhanh chóng của dịch bệnh do virus corona khiến nhiều người nhớ đến đại dịch SARS 17 năm trước. Các đại dịch này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc tiêu thụ động vật hoang dã.
Thể hiện bản lĩnh đàn ông
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của virus corona mới, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) yêu cầu lực lượng kiểm lâm tạm thời dừng hoạt động xác nhận bảng kê lâm sản vận chuyển là động vật hoang dã ra khỏi địa phương cho đến khi có thông báo mới.
Ở Cà Mau, thói quen ăn thịt những con vật “độc, lạ” từ những thứ được gọi là sản vật từ rừng, xuống biển cũng khá phổ biến trong người dân, như: ăn dơi quạ trị bệnh suyễn; ăn chuột con, uống máu rắn để tăng cường sinh lực; ăn thịt cá nóc, cóc để bồi bổ sức khỏe;…
Một điểm bán chuột ở TP.Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly.
Món chuột đồng chiên xả được giới "ăn nhậu" ưa chuộng. Ảnh: CL.
Trong giới “bợm nhậu”, cánh mày râu thường truyền tai nhau về sở thích ăn chuột con (hay còn gọi là chuột bao tử) mà mỗi khi nghe hầu như ai cũng khiếp vía. Nhiều người cho rằng, chuột con được cho là món ăn giúp tăng cường sinh lực, đề cao sức đề kháng… Lâu nay, người ta vẫn quan niệm rằng “ăn gì bổ nấy”, vì vậy có một số dân nhậu chuyên “sưu tầm” những món độc – lạ kiểu như thế nhằm thể hiện bản lĩnh phái mạnh.
Theo lời anh T (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), trong những cuộc nhậu của giới ăn chơi, món ăn khiến bàn tiệc “dậy sóng” đó chính là món chuột con (chuột bao tử), nhưng phải là chuột mới sinh, thân còn đỏ hỏn. Một số người còn quan niệm, ăn được những món man rợ như thế mới là đàn ông thực thụ.
Các loại rắn hoang dã được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Chúc Ly.
“Thông qua truyền thông, nhiều người biết được các nhà nghiên cứu cho rằng một trong những nguyên nhân được cho gây ra “đại dịch”, khởi phát từ Trung Quốc và nay đã lan ra toàn cầu, là thói quen ăn thịt dơi của người Vũ Hán (Trung Quốc). Nay, nghe tới món ăn này nhiều người lo sợ ra mặt, chắc không còn ai dám ăn món chuột con nữa” - anh T chia sẻ.
Trong khi đó, một người dân từng ăn món tiết dơi quạ, cho hay: “Tiết dơi quạ trị bệnh suyễn rất hay. Trước có đứa cháu ở nhà, bị bệnh suyễn kinh niên. Sau đó có người chỉ uống tiết dơi quạ, ở nhà làm theo thì cháu nó hết bệnh. Cách sử dụng cũng đơn giản, tiết dơi quạ mình pha với rượu hoặc nước để uống, có thể dùng cả mật dơi. Riêng bản thân tôi cũng đã từng uống tiết dơi quạ, riêng dơi chuột thì chưa nghe nói đến công dụng trị bệnh”.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau bắt vụ vận chuyển 786kg tê tê sống và 301kg vẩy tê tê năm 2018. Ảnh: Lê Khoa.
Đó là những lời truyền tai nhau trong dân gian về cách ăn thịt, uống tiết các loại động vật hoang dã, trong khi ít ai nghĩ rằng, những con vật này thường sống nơi ẩm thấp, tập tính sống theo bầy đàn, hoặc có địa bàn hoạt động rộng, mang trong mình bao nhiêu là mầm bệnh nguy hiểm. Những món ăn “quái dị” này vừa mất vệ sinh, không an toàn; trong khi kiểm chứng khoa học về tác dụng thì hầu như không có.
Ăn thịt "độc" vì nghĩ dinh dưỡng cao
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo, ngành chức năng đã thành lập các đoàn kiểm tra hoạt động mua bán, giết mổ động vật hoang dã. Qua đó, không phát hiện nơi tiêu thịt dơi, động vật hoang dã. Tại Cà Mau, hiện các loại dơi trong tự nhiên thì có, nhưng các quán bán thịt dơi thì gần như không còn. Khoảng 10 năm trước thì ở Cà Mau có quán bán cháo dơi, hiện nay thì cũng đóng cửa”.
Tiết dơi quạ được một số người tin là có thể trị bệnh suyễn. Ảnh: Thanh Dũng.
Theo ông Phú, ngành chức năng khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc đến mức tối đa với động vật hoang dã, kể cả chim, cò. “Thời gian trước, tại một số nơi trong tỉnh, người dân cũng có ăn cháo dơi nhưng nay thì hiếm. Riêng việc uống máu dơi pha với rượu thì tôi đặc biệt khuyến cáo là không nên” - ông Phú cho biết.
Cũng theo ông Phú, người miền Nam thường thích ăn tiết canh vịt xiêm. Trong khi con vịt xiêm mạnh thì càng dễ mang các mầm bệnh. “Tuyệt đối không nên ăn tiết canh chó, mèo, vịt, dơi… kể cả những huyết ngâm rượu. Sử dụng huyết này để ngâm, hoặc ăn tiết canh còn sống thì tạo ra nguy cơ rất lớn trong việc lây lan nhiễm các virus, không chỉ là corona mà còn các loại virus, ký sinh trùng khác”.
Từ nhu cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã ngày càng cao, nhiều người đã bắt đầu gây nuôi. Ảnh: Chúc Ly.
“Trong thói quen ăn uống của một số người, thú càng quý hiếm thì họ càng thích vì nghĩ giá trị dinh dưỡng cao, tuy nhiên đa số chưa có kiến thức về các loài này. Ở Cà Mau, đã có một số trường hợp ngộ độc khi ăn cá nóc. Bên cạnh đó, các loài như sam, cóc cũng được người dân sử dụng vì tin rằng có lợi cho sức khỏe; nhưng cũng mang nhiều nguy cơ ngộ độc nếu không biết cách chế biến. Cho nên, chúng tôi khuyến cáo người dân nên ăn cái gì đã biết rõ, có kiến thức, có số liệu chứng minh an toàn cho sức khỏe” - ông Phú cho biết biết thêm.
Trong khi đó, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, hiện trong tỉnh không còn hộ nuôi dơi. Thống kê hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trong tỉnh, người dân chủ yếu nuôi các loài như cầy vòi hương, trăn đất, rùa đất, rùa răng, rắn ráo trâu, rắn hổ mang;…Tổng cộng, toàn tỉnh có khoảng hơn 22.600 cá thể; trong đó trăn đất chiếm nhiều nhất với hơn 14.900 cá thể và cầy vòi hương với hơn 3.200 cá thể.