Nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng nên có độ mở lớn, do đó những biến động của giá xăng dầu thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đối với giá xăng dầu của Việt Nam. Trong hơn 4 tháng qua, do yếu tố địa chính trị cộng với vấn đề dịch bệnh và biến động giá xăng dầu thế giới ở biên độ rất lớn, đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu Việt Nam , ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế và đặc biệt là chỉ số lạm phát.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đã khiến biến động của giá cả nhiều loại hàng hóa như nguyên vật liệu, chi phí dịch vụ và đặc biệt là giá xăng dầu đã và đang tăng lên. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn có độ trễ nhất định về chính sách, khiến chỉ số lạm phát sẽ được đẩy lên mức tương đối cao, dự báo năm 2022 sẽ vào khoảng 3,8 – 4,2%.
“Đương nhiên khi giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp và đối với người dân. Chính vì thế trong năm 2022, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp, bởi chi phí đầu vào tăng nhanh như hiện nay trong khi giá bán hàng đầu ra tăng không tương ứng”, TS. Cấn Văn Lực phân tích và khuyến cáo, các doanh nghiệp cần phải hết sức chú trọng đến việc cơ cấu lại sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt cần đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa thị trường làm phân tán bớt rủi ro và giảm đi những thiệt hại do chi phí đầu vào tăng.
Khẳng định mặt hàng xăng dầu tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt tác động đến chỉ số lạm phát, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, khi giá xăng dầu càng tăng cao càng khiến nền kinh tế trở nên khó khăn. “Nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến tăng trưởng GDP giảm 0,5 điểm phần trăm và làm cho lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm. Chắc chắn năm 2022 này giá xăng dầu bình quân sẽ tăng khá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải, hoạt động khai thác thủy sản, nhiều ngành khác và cả người tiêu dùng”, TS. Nguyễn Bích Lâm nhận định.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá dầu Brent đã tăng đến 60% so với cùng kỳ năm trước và hiện giá xăng dầu thế giới vẫn biến động rất khó lường, mặc dù Mỹ và các nước cũng đã tung kho dự trữ để kiểm soát giá nhưng gần đây giá dầu vẫn bùng lên.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Chính phủ cần có phương án dự trữ và cần có những giải pháp để làm sao cho giá xăng dầu không theo đúng nhịp với quy mô như giá xăng dầu thế giới nhằm kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu. Chính phủ cũng cần có giải pháp và chiến lược rất đặc biệt đối với an ninh năng lượng, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu. Trong đó, cần phải làm tốt công tác dự báo, dự trữ chiến lược đối với xăng dầu để tránh rơi vào thế bị động về nguồn cung.
“Xăng dầu không dự trữ tốt sẽ tác động rất lớn đến tăng chỉ số lạm phát. Dự trữ xăng dầu của Việt Nam hiện nay chỉ được từ 5 – 7 ngày và theo đề xuất của Bộ Công Thương, cần có lượng dự trữ lớn gấp 10 lần như hiện nay với phương án dự trữ bằng hàng thay vì bằng tiền. Các nền kinh tế lớn họ làm rất tốt như Mỹ có dự trữ đáp ứng cho nền kinh tế trong vòng 1 tháng; 29 quốc gia trong tổ chức năng lượng thế giới cũng đã có quy định phải dành ra bao nhiêu phần trăm kinh phí để dự trữ xăng dầu”, TS. Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.
Với tác động của lạm phát chuỗi cung ứng và diễn biến giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng như hiện nay, TS. Nguyễn Bích Lâm lưu ý các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn cung, chủ động nguồn cung nguyên vật liệu đủ để duy trì sản xuất vào những thời điểm giá cả tăng cao.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.
Thời gian quan, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý đã có chỉ đạo, xử lý kịp thời đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Cơ quan điều hành đã sử dụng tối đa các quỹ, có đề xuất linh hoạt với chính sách thuế để ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực của giá xăng dầu lên nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ này đã ban hành quyết định về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho 10 tư nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bổ sung nguồn thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Điều này sẽ giúp đảm bảo nguồn cung trong nước.
“Trong quý III và IV sắp tới, Bộ Công Thương căn cứ cam kết của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn về sản lượng cung ứng ở mức độ nào sẽ ưu tiên mức độ đó để tiêu thụ trong nước. Phần còn lại nếu còn thiếu, Bộ sẽ tiếp tục phân giao cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bù vào lượng thiếu hụt của nhà máy” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Liên quan đến dự trữ xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho hay, có 2 nguồn dự trữ là dự trữ trong doanh nghiệp và dự trữ Nhà nước. Do khả năng và ngân sách còn hạn chế nên liên Bộ Công Thương - Tài chính đang bàn với các Bộ, ngành liên quan để đề xuất những giải pháp phù hợp nhất, bảo đảm mức tối đa cho dự trữ xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bộ Công Thương dự kiến nhu cầu xăng dầu trong nước quý II/2022 vào khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3. Để đảm bảo tốt nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương dự kiến nguồn cung xăng dầu quý II vào khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 và nguồn tồn kho từ quý I chuyển sang (1,5 triệu m3)./.