Sinh kế bị “thiêu đốt”
Vượt đoạn đường dài hơn 100km dưới cái nắng cháy da cháy thịt, chúng tôi tìm về huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), mảnh đất luôn có khí hậu khắc nghiệt hơn so với các huyện khác, khu vực này thường được gọi là “chảo lửa”. Trò chuyện với phóng viên NTNN, ông Lộ Chính (thôn Văn Lăm 4, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) cho biết, mặc dù đại hạn đã đi qua cách đây hơn 1 năm nhưng ông vẫn chưa hết bị ám ảnh về đợt nắng hạn kéo dài khủng khiếp ấy. Chỉ tay vào cánh đồng chết, ông Chính cho biết, năm trước nắng nóng khắc nghiệt, cánh đồng chuyển sang màu vàng úa, cây cỏ không mọc nổi, đàn cừu của ông cũng bị ảnh hưởng do thời tiết.
Nhiều nông dân ở Ninh Thuận phải đi hàng cây số lấy nước về dùng cho cho gia súc uống. Ảnh: Công Tâm
"Trận bão số 10 vừa qua cùng mưa lụt lớn sau đó gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, trong đó Nghệ An thiệt hại gần 700 tỷ đồng, Hà Tĩnh là 6.000 tỷ đồng… Đáng nói, sau mưa bão và lũ lụt, việc giảm nghèo gặp nhiều khó khăn, thêm vào đó lại xuất hiện một bộ phận người giàu, người khá giả bị nghèo hoá”. Ông Nguyễn Hoàng Mai – |
Gia đình ông Chính nuôi cừu từ năm 1995, những năm đầu nghề này luôn thuận buồm xuôi gió, nhà nông có thu nhập khá. Tuy nhiên, hạn hán năm 2016 đã làm cho 20/150 con cừu bị suy kiệt và chết. Mặc dù trước đó, gia đình ông Chính cũng trồng 3,5 sào cỏ để dự trữ nguồn thức ăn nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho đàn cừu 150 con. Thời gian này bình quân cứ mỗi tháng ông phải chi phí khoảng 4 triệu đồng để mua thức ăn cho đàn cừu của mình, thức ăn giai đoạn nắng hạn rất khan hiếm, “quý hơn cả vàng” như lời ông Chính. Cũng vì thế, đàn vật nuôi ngày càng èo uột, thu nhập từ nuôi cừu sụt giảm khiến gia cảnh ông Chính muôn bề khó khăn.
Mặc dù không phải đối diện với cảnh hạn hán nhưng từ nhiều năm nay “cù lao khát” Tân Phú Đông (Tiền Giang) bị xâm nhập mặn kéo dài, khiến cây trồng, vật nuôi thiệt hại nặng nề, đời sống người dân đã khó lại càng khó hơn. Huyện Tân Phú DDĐông có 6 xã, tỷ lệ hộ nghèo của huyện cao nhất tỉnh. Mới đây huyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là huyện thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo khó khăn.
Ông Trần Công Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đông than thở, mùa khô năm 2016, tình hình thiếu nước ngọt trên địa bàn xã Phú Tân khá trầm trọng. Cháy khát, người dân nháo nhào mua nước ngọt với giá 150.000 đồng/m3.
Hôm chúng tôi đến nhà đã thấy ông Trần Văn Lực (ấp Phú Hữu, xã Phú Tân) đang gia cố lại hồ nước dã chiến bằng gạch và những tấm bạt chứa đầy 6m3 nước mưa. Theo ông Lực, dân vùng này phải tìm cách trữ nước mưa để dùng vì không có nước ngọt. Không có đất sản xuất, ông Lực và các con hàng ngày ai thuê gì làm nấy. Hiện ông chọn mấy con dê để nuôi vì dê có khả năng chịu khát tốt, ít uống nước.
Áp lực của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến con người, vật nuôi mà cả cây trồng. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, nguồn nước phục vụ sản xuất có hạn, nhất là thời gian xâm nhập mặn có xu hướng kéo dài. Sản xuất khó khăn khiến nguồn thu chính của các hộ dân vùng cù lao Tân Phú Đông không ổn định, cuộc sống của họ bấp bênh...
Thiên tai ảnh hưởng giảm nghèo bền vững
Có thể nói thiên tai, bão lụt, hạn hán đang tác động tiêu cực tới sự nghiệp giảm nghèo. Nó không chỉ làm giảm nguồn lực quốc gia đầu tư cho giảm nghèo mà còn tác động trực tiếp, phá vỡ những thành quả của công cuộc giảm nghèo, làm hoạt động giảm nghèo của Việt Nam không được bền vững.
Cây sả đang được xem là cây thích ứng với biến đổi khí hậu và đang là nguồn sống cho nông dân huyện Tân Phú Đông. Ảnh: Trần Đáng
Năm 2016 hạn hán diễn ra gay gắt tại Ninh Thuận, làm thiệt hại sản xuất nông nghiệp ước khoảng trên 184 tỷ đồng. Ngoài ra, 291ha diện tích sản xuất bị mất trắng và khoảng 15.000ha phải dừng sản xuất do hạn hán. Tính đến cuối tháng 8.2016, có 5.307 con gia súc bị chết, ước thiệt hại trên 11 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương còn cao (chiếm 37%, cận nghèo 4,7%). |
Ông Lê Viết Phái – Trưởng phòng Trợ giúp đột xuất (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH) cho biết, 3 năm trở lại đây tình hình thiên tai diễn biến bất thường, gia tăng về số lượng và mức độ gây hại, do đó số đối tượng chịu tác động cần cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp gạo và tiền cũng tăng nhiều hơn các năm trước. Cụ thể như những năm trước, số gạo hỗ trợ đối tượng người nghèo, đối tượng chịu ảnh hưởng thiên tai chỉ khoảng trên dưới 30.000 tấn/năm, thì riêng năm 2016 vừa qua đã tăng hơn gấp đôi - khoảng 67.000 tấn. Số gạo này chủ yếu là hỗ trợ người nghèo chịu ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, bão lũ.
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã phải hỗ trợ hơn 32.000 tấn gạo (cao hơn cả tổng số gạo Chính phủ hỗ trợ trong năm 2015). Trong đó, riêng số gạo hỗ trợ cho người dân vùng bị thiên tai là hơn 8.000 tấn (chưa kể số gạo hỗ trợ sau bão số 10 và lũ lụt ở miền Bắc trong tháng 10). Ngoài ra, tổng số gạo hỗ trợ khắc phục thiên tai trong năm 2015 chỉ hơn 2.600 tấn thì tới năm 2016 đã tăng gấp gần 6 lần, lên hơn 12.000 tấn gạo.
Không chỉ đầu tư một số lượng lớn vật chất (gạo, nhu yếu phẩm), Chính phủ đã phải cấp 500 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 10 tại Hà Tĩnh, Nghệ An, chưa kể hỗ trợ cho các tỉnh chịu thiệt hại do lũ lụt ở các tỉnh miền Bắc vào giữa tháng 10 vừa qua. Khi gặp sự cố thiên tai, môi trường thì nguồn lực quốc gia sẽ bị phân tán, từ đó giảm nguồn lực cho hoạt động giảm nghèo.
Theo đánh giá của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế, sau hơn 20 năm, công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả, song công cuộc này vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn được nhiều tổ chức phi chính phủ chỉ ra là tình trạng biến đổi khí hậu và những rủi ro khác từ thiên tai ngày càng có diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt là tình trạng hạn hán ở khu vực Tây Nguyên, lũ lụt ở khu vực miền Trung, giá rét ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo đánh giá của Oxfam, người nghèo không chỉ dễ bị tổn thương bởi thiên tai mà còn khó phục hồi sinh kế hơn trước các tác động này so với các nhóm khác do nguồn lực của người nghèo có hạn. Thiên tai cũng khiến cho việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để giảm nghèo của người nghèo khó khăn hơn, bởi nhiều người sẽ không có khả năng trả nợ cũ. Bên cạnh đó, thiên tai càng khắc nghiệt, chi phí người nghèo phải bỏ ra để đáp ứng các nhu cầu về lương thực, thực phẩm sẽ gia tăng, chi phí để khám chữa bệnh cũng tăng theo.
Thống kê cho thấy, riêng năm 2008 tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là hơn 11.500 tỷ đồng. Theo Bộ NNPTNT, thiệt hại thiên tai gây ra mỗi năm cho Việt Nam chiếm khoảng 1,5 % GDP. Ngoài thiên tai, dịch bệnh cũng là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp và giảm nghèo ở Việt Nam.
Mỗi năm thiên tai đẩy 26 triệu người vào cảnh nghèo đói Mỗi năm thiên tai đã đẩy 26 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo đói và khiến tiêu dùng giảm khoảng 520 tỷ USD. Cách tính toán mới của các chuyên gia (dựa trên tổn thất “vật chất” như nhà cửa, đường sá… lẫn tổn thất “đời sống” như chi phí y tế, thực phẩm, giáo dục…) cho thấy thiệt hại về người và kinh tế từ các thảm họa do thời tiết khắc nghiệt (bão, lũ lụt, hạn hán…), sóng thần và động đất gây ra cao hơn 60% so với ước tính trước đây của Liên Hợp Quốc. (Báo cáo “Xây dựng sự kháng cự của người nghèo trước thiên tai”, do Ngân hàng Thế giới và cơ quan giảm thiểu thiên tai của Liên Hợp Quốc công bố tháng 11.2016) |