CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) trong một báo cáo mới đây đưa ra nhận định rằng Ngân hàng Nhà nước đang cho thấy thái độ chặt chẽ hơn với ngành cho vay tiêu dùng. Điều này được thể hiện qua chủ trương áp hạn mức tín dụng chặt hơn cho các công ty tài chính.
Trong năm 2018, hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN dành cho 3 công ty tài chính lớn nhất (chiếm 88% thị phần) là khoảng 26%. Trong đó, FE Credit là 20%; HD Saison và Home Credit là khoảng 35%.
Tuy nhiên tăng trưởng thực tế tại 3 công ty chỉ đạt 16,68%, cụ thể: FE Credit là 18,9%; Home Credit đạt 12,7% và HD Saison là 12,7%.
Trong năm 2019, hạn mức tín dụng tạm thời đối với 3 công ty trên chỉ còn 12%. HSC ước tính FE Credit được giao hạn mức khoảng 10% trong khi hai công ty còn lại khoảng 15%.
Công ty tài chính nhỏ hơn như MCredit (tăng trưởng tín dụng đạt hơn 200% năm ngoái) có thể được giao hạn mức tăng trưởng cao hơn trong năm nay, khoảng 30 - 35% do thị phần còn rất nhỏ.
Theo HSC, năm 2018 tổng dư nợ của FE Credit đạt hơn 53.200 tỷ đồng; của Home Credit là hơn 17.800 tỷ, của HD Saison là 10.600 tỷ; của MCredit là hơn 5.000 tỷ.
Trước đó khi đề cập đến việc cấp giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các công ty tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng việc hạn chế room là cần thiết để quản lý rủi ro. Song room như áp dụng với ngân hàng là không phù hợp với công ty tài chính có dư nợ còn rất nhỏ và nhu cầu thực tiễn từ thị trường lại rất lớn. Một số ý kiến thậm chí còn cho rằng không nên áp dụng room với các công ty tài chính mà hãy để họ tự điều chỉnh phù hợp khả năng cung cấp tín dụng và nhu cầu thị trường
Trong một diễn khác, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Thông tư 43 về hoạt động của các công ty tài chính theo hướng quản lý chặt chẽ hơn như siết tỷ lệ cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ ở mức 30%, đối tượng vay (chỉ là khách hàng hiện hữu) và quản lý chặt hơn việc đòi nợ (không được đòi nợ người thân)...