Thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Koo Yun-cheol và ông Nguyễn Đức Trung – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại một khách sạn ở Seoul.
Năm 1995, Hàn Quốc đã chấp nhận các dự án cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi khu vực tư nhân và các nhà đầu tư tư nhân đã tài trợ cho 719 dự án trị giá 114,5 nghìn tỷ KRW (96,7 tỷ USD) trên cả nước. Ông Koo Yun-cheol cho biết tài chính tư nhân là điều cần thiết để Việt Nam tăng cường hiệu quả trong sản xuất công nghiệp và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đánh giá, kinh nghiệm của Hàn Quốc có thể hữu ích cho kế hoạch thu hút thêm nguồn vốn tư nhân để xây dựng đường bộ, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác của Việt Nam.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là xu hướng tất yếu nhưng việc thu hút vốn ngày càng khó khăn. Hình thức này đã và đang góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn cho đầu tư hạ tầng.
Giáo sư Hong Sik Chung của Khoa Luật ĐH Chung Ang Hàn Quốc nhận định, Hàn Quốc đang tìm cách đầu tư dưới hình thức PPP vào các dự án Đông Nam Á do hệ thống hạ tầng trong nước đã bão hoà, nhu cầu đầu tư suy giảm.
Phía Hàn Quốc có sẵn danh mục các nhà đầu tư và bên cho vay, nhắm vào các lĩnh vực điện, cầu đường, giao thông, y tế... Các tập đoàn lớn do Chính phủ Hàn Quốc sở hữu được xem như nhà tài trợ chính cho các dự án PPP và ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) sẽ cung cấp các gói tín dụng cho việc đầu tư dự án nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có 289 dự án PPP trên toàn quốc với tổng số vốn 54 tỷ USD. Trong đó, hạng mục cơ sở hạ tầng giao thông vận tải chiếm đến 207 dự án. Riêng TP.HCM có 23 dự án PPP đã hoàn thành đạt tổng số vốn 71.000 tỷ đồng, 130 dự án đang chuẩn bị triển khai với tổng số vốn 400.000 tỷ đồng và 243 dự án kêu gọi đầu tư khoảng 869.420 tỷ đồng.