Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể sẽ mỉm cười khi họ bắt tay nhau trong Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội. Mục tiêu là bước tiến rõ nét hơn so với những kết quả hoàn toàn mơ hồ của Hội nghị lần một diễn ra tại Singapore - nhiều nhà phê bình đánh giá. Nhưng đằng sau nụ cười thân thiện ngoại giao là một vòng xoáy của những mục tiêu khác nhau đến từ nhiều bên lên quan.
Ngoài hai nhân vật chính, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có mối quan tâm sâu sắc về những gì Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim có thể tạo ra ở Việt Nam, bao gồm cả câu hỏi lớn: Mỹ và Triều Tiên có thể tiến tới một thỏa thuận cuối cùng về việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hay không, và nếu họ thực sự đi đến thỏa thuận, thì có thể hoàn thành được thỏa thuận đó trong thực tiễn hay không?
Triều Tiên
Nếu như mục tiêu của phía Hoa Kỳ khá rõ ràng - loại càng nhiều chương trình hạt nhân của Triều Tiên càng tốt - thì chắc chắn ông Trump cũng phải đưa gia một cái giá xứng đáng để chủ tịch Kim Jong Un sẵn sàng từ bỏ những gì mà ông coi là "thanh kiếm quý giá của quốc gia".
Ông Kim rõ ràng đang có những bước đi rất khác với cha và ông nội của mình. Ngoài việc xây dựng một kho vũ khí hạt nhân thu hút sự chú ý của thế giới, đảm bảo an ninh kinh tế, quân sự. Ông còn nỗ lực đưa đất nước mình đứng lên thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Ông Kim Jong Un đã tới Việt Nam. Ảnh: Phạm Tuấn
Để làm được điều đó, ông cần tìm cách giảm bớt các lệnh trừng phạt quốc tế, để có thể theo đuổi các dự án hợp tác với Hàn Quốc. Các dự án đang được chờ đợi bao gồm hai liên doanh, mở lại một khu công nghiệp và một khu du lịch đã từng mang lại ước tính 150 triệu USD tiền mặt mỗi năm.
Triều Tiên đã nhiều lần khẳng định rằng việc phi hạt nhân hóa phải là một con đường hai chiều: Họ sẽ không đánh đổi kho hạt nhân của mình với một cái giá rẻ.
Ông Kim cũng phải bị thuyết phục về sự cải thiện trong những gì ông coi là mối đe dọa hiện hữu của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên - hàng chục ngàn binh lính Hoa Kỳ ở Hàn Quốc và Nhật Bản và một loạt hỏa lực quân sự khổng lồ vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng để bảo vệ các đồng minh của Washington.
Bất chấp sự hoài nghi sâu sắc về ý định của chủ tịch Kim, nhiều chuyên gia hạt nhân của Triều Tiên cho rằng ngay cả chính ông Kim cũng không giám chắc liệu ông có quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không. Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, theo một khía cạnh nào đó, là phép thử về những gì nhà lãnh đạo Triều Tiên cho là xứng đáng để đánh đổi kho vũ khí tối thượng của mình.
Hoa Kỳ
Tổng thống Trump cũng đã nhận được vài lời khen ngợi nhất định sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, nhưng đó cũng là áp lực buộc ông phải làm tốt hơn ở hội nghị lần này. Tổng thống Hoa Kỳ muốn đạt được phi hạt nhân hóa, ngay cả khi ông luôn cố gắng giữ kỳ vọng ở mức thấp, rằng ông không vội trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tại hội nghị thượng đỉnh Việt Nam, Hoa Kỳ đang tìm cách thúc đẩy lời hứa của ông Kim, ông nói rằng đã sẵn sàng tháo dỡ các cơ sở làm giàu plutoni và uranium của đất nước mình. Ông Trump muốn chủ tịch Kim cho phép các chuyên gia quốc tế xác minh các bước tháo dỡ tại địa điểm phóng tên lửa chính của Triều Tiên và một địa điểm thử nghiệm hạt nhân. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng muốn mang thi thể nhiều người Mỹ đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên về an táng tại Mỹ, tiến tới một nền hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.
Sau cùng, Hoa Kỳ cũng muốn kiểm kê các cơ sở, thiết bị và vật liệu tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên, và sau đó là một quy trình đã được thỏa thuận để tiêu hủy. Nhưng Mỹ cũng chưa tưởng tượng tới việc hai bên sẽ đạt được thỏa thuận này ở Việt Nam.
Hàn Quốc
Mục tiêu hàng đầu của Seoul là ổn định mối quan hệ song phương với Triều Tiên. Hàn Quốc hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai sẽ tạo cơ hội để khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều bị đình trệ bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại gần đây với ông Trump, Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae In, cho biết Seoul đã sẵn sàng khởi động lại các dự án kinh tế chung với Triều Tiên và yêu cầu ông Trump xem xét đưa ra những khuyến khích để Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Ông Moon Jae In đã tổ chức ba cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên vào năm ngoái và mô tả sự hòa giải liên Triều là rất quan trọng trong việc giải quyết bế tắc hạt nhân. Nhưng các biện pháp trừng phạt cứng rắn đã hạn chế phạm vi hoạt động chung mà hai miền Triều Tiên có thể thực hiện. Washington luôn yêu cầu các đồng minh tạo áp lực kinh tế đối với Triều Tiên, chừng nào họ đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa thì thôi.
Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, những lo ngại về sự bất ổn ở Triều Tiên không chỉ gói gọn trong vấn đề vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh chủ yếu lo ngại sự sụp đổ của nền kinh tế Triều Tiên có thể dẫn đến xung đột vũ trang trong chính phủ, và người tị nạn sẽ tràn sang Trung Quốc.
Trung Quốc là nguồn hỗ trợ và thương mại chính của Triều Tiên, và bất kỳ phong trào nào nhằm giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sẽ được cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc hoan nghênh nhiệt liệt.
Để bảo vệ lợi ích của mình, Trung Quốc đã tìm cách liên lạc thường xuyên với chủ tịch Kim, tổ chức cho ông ba chuyến thăm kể từ khi công bố vòng đàm phán đầu tiên vào năm ngoái. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã gặp ông Kim một cách không chính thức tại thành phố cảng Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc.
Các cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình với lãnh đạo Triều Tiên được coi là một nỗ lực thuyết phục để cố gắng định hướng Triều Tiên, đồng thời phải đảm bảo rằng Trung Quốc vẫn giữ được vai trò liên kết khu vực.
Nhật Bản
Có những lo ngại về việc ông Trump có thể sẽ chỉ nhắm mục tiêu vào một phần trong chương trình tên lửa của Triều Tiên - loại bỏ các tên lửa hạt nhân tầm xa nhằm vào Hoa Kỳ, và vẫn để lại tên lửa tầm ngắn, đủ để nhằm vào Nhật Bản.
Nhật Bản cũng không muốn bị bỏ lại phía sau trong khi các cuộc đàm phán được tiến hành. Họ cũng được coi là một đồng minh của Mỹ trong khu vực, với hàng chục ngàn lính Mỹ và các thiết bị công nghệ cao đóng quân trên khắp quần đảo này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhiều lần bày tỏ hy vọng rằng ông có thể gặp Chủ tịch Kim. Và để đảm bảo rằng lợi ích của Nhật Bản không bị lãng quên, ông cũng đã làm việc chăm chỉ để mắt đến ông Trump, đến mức ngài Tổng thông còn nói, ông Abe đã đề cử ông vào giải Nobel Hòa bình, ông Abe không phủ nhận thông tin này.