Nếu như món bánh cuốn ở nhiều tiệm nổi tiếng Hà Nội vẫn có được lượng khách ổn định thì tại một quán ở gần hồ Gươm, người bán ngồi vài tiếng vẫn không ai đến hỏi mua mang đi.
Bánh cuốn, thứ bánh dẻo thơm của gạo, mộc nhĩ, hành phi, khi ăn kèm với rau thơm, miếng chả quế nồng nàn, bát nước mắm ớt nóng hổi. Đây là một trong những món ăn đắt khách ở Hà Nội bất kể mùa nào trong năm. |
Trong những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ tư, các quán kinh doanh chuyển sang bán cho khách theo hình thức mang đi. Có những người cẩn thận mang sẵn chén bát để đựng mà không dùng hộp nhựa tại quán. |
Hình ảnh tại hàng bánh cuốn Bà Xuân nổi tiếng đã 20 năm tuổi, nằm trên phố Hoè Nhai thuộc quận Hoàn Kiếm. |
Cho dù phải chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, quán này vẫn duy trì được lượng khách ổn định. Chủ cửa hàng cho biết doanh thu giảm sút 20% so với ngày chưa thắt chặt giãn cách, hiện chỉ bán mang đi hơn 100 suất mỗi ngày. |
Một khách hàng quen thuộc của quán 4 năm nay, anh Thái (34 tuổi), chia sẻ: “Kể từ khi có con, hầu như sáng nào tôi cũng mua bánh cuốn bởi các cháu ở nhà rất thích. Nhà tôi gần đây nên việc đi lại mùa dịch không gặp nhiều khó khăn”. |
Khoảng thời gian đông khách nhất là từ 7h - 9h sáng. Theo quan sát của phóng viên, chỉ trong vòng 2 tiếng, đã có hơn 50 lượt khách ra vào, các shipper đến nhận đơn cũng khá thường xuyên. |
Bánh cuốn Thanh Vân được quảng cáo là gia truyền ba đời từ năm 1973 đến nay cũng khá nổi tiếng trên đất thủ đô. Những ngày giãn cách, quán này vẫn duy trì hoạt động bán cho khách mang đi. |
Trái với cảnh khách hàng tấp nập ra vào như trước kia, hiện nay quán chỉ bán được 40 suất mỗi ngày. |
Thời tiết Hà Nội những ngày này khá mát mẻ. Ông Sơn (63 tuổi) ghé vào quán bánh cuốn Thanh Vân mua một suất mang về. Ông bảo lựa chọn bánh cuốn bởi nó tiện mang đi và giữ được lâu, không như các mặt hàng như bún, phở. "Sau khi có lệnh không tiếp khách tại chỗ, tôi hầu như chỉ chọn bánh cuốn, xôi và bánh mì làm bữa sáng”, ông Sơn nói. |
Trái lại, cửa hàng bánh cuốn nằm gần ngã rẽ Bảo Khánh và Lê Thái Tổ lại khá vắng khách. Người bán cho biết gần 8h vẫn chưa có người mở hàng. |
Bà Lê Thị Tuyết (61 tuổi) cho rằng một phần vì quanh hồ Gươm người dân bị cấm thể dục buổi sáng nên ít người qua lại, lượng khách giảm đi cũng là điều dễ hiểu. |
Đối mặt với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều chủ hàng bánh cuốn phải đau đầu với việc duy trì để trả tiền mặt bằng. Vì vậy, bà Hằng (61 tuổi) chuyển sang buôn bán trên chiếc xe máy lưu động. Bà bảo tuy doanh thu có giảm sút, ít nhất vẫn đỡ được một khoản chi phí lớn. |
Cứ mỗi buổi sáng vào lúc 6h, bà Hằng có mặt tại địa chỉ 14 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm để dọn đồ, chuẩn bị bán. Bà cho biết, bàn thuê của một nhà hàng gần đó. Nguyên liệu, bát, đũa... được bà kê xếp gọn gàng rồi chất lên xe máy sau đó di chuyển từ nhà ra đây để kinh doanh. |
Thời kỳ dịch Covid-19 chưa bùng phát, bà Hằng chủ yếu buôn bán trên vỉa hè. Bà cho biết lượng khách trước đây ngồi thành một hàng dài quanh vỉa hè phố Đào Duy Từ mỗi sáng. Nhưng từ khi có lệnh cấm hoạt động tại chỗ, bàn ghế được bà xếp gọn ở nhà, chỉ mang theo những thứ cần thiết để tiện bán mang đi. |
Khác với những hàng bánh cuốn phổ biến thường ăn kèm với chả giò, bánh cuốn Phủ Lý ăn kèm thịt nướng có nguồn gốc ở tỉnh Hà Nam cũng xuất hiện tại phố Đào Duy Từ, Hà Nội. Chị Thư, chủ quán, cho biết: “Khu phố cổ là địa điểm trung tâm văn hoá của Hà Nội, mỗi khi chúng tôi nướng thịt, mùi hương hấp dẫn thu hút được rất nhiều thực khách nước ngoài đến ăn. Nhưng kể từ khi có dịch, các hoạt động du lịch bị hạn chế, lượng khách giảm đi đáng kể”. |
(Theo Zing)