Chủ quán có thể nhớ khẩu vị bánh mỳ của khách quen. Nhìn mặt là bán mà không cần hỏi khách ăn gì.
Nhìn mặt, nhớ khẩu vị trăm người
“Chú ăn xíu mại đầy đủ không nước tương đúng không?”. “Anh trai này ổ pate với chả lụa, không hành ngò. Hai ổ như mọi khi à anh?”- chủ quán bánh mỳ Bảy Hổ (quận 1, TP.HCM) thấy người vừa tấp xe vỉa hè đã đọc chính xác khẩu vị nhân bánh mỳ mà họ thích ăn. Nhiều khi khách không cần nói mà chủ tiệm đã ra bánh chuẩn vị.
Việc nhớ khẩu vị khách được chủ quán lý giải đơn giản là coi họ như người nhà. Mình nhớ người nhà ăn gì thì nhớ khách ăn như vậy. Có người giữ thói quen, ngày nào cũng ra mua ăn, từ đó chủ quán chỉ cần liếc nhìn mặt là nhớ vị, nhìn mặt là bán mà không cần hỏi dù khách đông.
Theo quan sát, chỉ riêng một buổi sáng, có tới cả trăm lượt người tới đây mua bánh. Không phải ngẫu nhiên mà tiệm lại nhiều khách đến vậy. Hương vị đặc trưng của pate, mức giá bình dân 18.000 đồng/ổ bánh mỳ và sự xởi lởi từ chủ quán là những yếu tố hút thực khách.
Nhiều thực khách đến quán bánh mỳ từ sớm (ảnh: Trần Chung) |
Chủ quán có thể nhớ khẩu vị ăn của rất nhiều khách hàng (ảnh: Trần Chung) |
“Tôi ăn ở đây hơn chục năm rồi, pate ngậy không lẫn vào đâu được. Mặc dù đi làm ở quận 3, không tiện đường nhưng tôi vẫn phải ghé mua ăn sáng”, anh Đoàn Văn Hiền nói.
“Nãy tôi bỏ 30.000 đồng mua bánh mỳ nhưng mua lộn quán, giờ quay lại đây mua. Bánh mỳ ăn quen nên có đi xa cũng chấp nhận”, ông Phạm Thành bật cười vì sự nhầm lẫn của mình.
Sang hay nghèo đến tiệm bánh cũng như nhau
Bánh mỳ Bảy Hồ mở từ những năm 1930, bánh mỳ được bán truyền đời qua 3 thế hệ từ thời ông ngoại, rồi tới má của anh Hồ Quốc Dũng và tới anh - chủ tiệm đứng bán hiện tại.
Theo anh Dũng, các nguyên liệu để làm nhân như thịt, chả lụa, đồ chua, rau củ,... đều được lấy từ nguồn nên tiệm bánh mới có thể duy trì mức giá ổn định như vậy nhiều năm qua, ngay cả thời gian dịch bệnh vừa rồi. Ngoài ra, nguyên liệu cũng do các thành viên trong gia đình tự tay làm. Để thực phẩm được tươi, nóng khi thực khách thưởng thức ổ bánh mỳ trên tay, họ dậy từ 3h chuẩn bị đồ để 5h sáng mở quán. Với ca bán hàng buổi chiều, nguyên liệu cũng phải làm song song trong lúc bán hàng ca sáng.
Có gia đình đã 4 thế hệ cùng ăn bánh mỳ tại đây (ảnh: Trần Chung) |
Khách quen không lạ gì với tính cách thoải mái của chủ tiệm bánh (ảnh: Trần Chung) |
Có cụ bà 98 tuổi ở hẻm gần quán, bà đã ăn từ thời ông ngoại chủ quán, rồi nay tới cháu cố của bà cũng ra ăn, 4 đời của gia đình đều ăn bánh mỳ tại đây.
Cũng có chú đạp xe xích lô ngoài chợ Đa Kao (quận 1) là khách quen, chủ quán thấy khách túng, thay vì bán giá 18.000 đồng thì hạ giá còn 15.000 đồng. Bữa nào ông chú không có tiền, thì cứ vào ăn, có tiền trả sau.
“Ủa không có tiền thì sao? Cứ lại ăn, ăn lấy sức còn chạy xích lô. Có tiền thì đưa, không có tiền thì cứ ăn no đã để đi làm. Đó là chuyện riêng của tiệm bánh này. Tôi muốn bất kỳ thành phần, con người nào trong xã hội cũng đều có thể ăn được bánh mỳ nhà làm. Người khó khăn hay sang giàu khi tới đây cũng như nhau cả thôi”, anh Dũng chia sẻ.
Từng là phụ trách bán xe motor rồi quyết định từ bỏ công việc, anh Dũng quay về bán bánh mỳ giống như thuở bé còn phụ mẹ. Chủ quán cho rằng, nghề này đã chọn anh chứ không phải anh chọn nghề. Nghề thấm vào trong người và giờ thì không thể chuyển hay bỏ quán được nữa. Quán hiện bán bánh mỳ cả sáng cả chiều, không có ngày nghỉ. Chủ quán bữa nào thấy mệt thì nghỉ, thích thì nghỉ chứ cũng chẳng lên kế hoạch và thông báo trước với ai.
Trần Chung