Tình trạng buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp. Chỉ trong 1 tháng qua, nhiều vụ buôn bán mỹ phẩm lậu với hàng chục nghìn sản phẩm bị phát hiện.
Mới đây nhất, ngày 9/9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 thuộc Cục QLTT Hà Giang phối hợp với Công an huyện Bắc Quang phát hiện 20 hộp carton có chứa 8 mặt hàng mỹ phẩm với gần 4 nghìn sản phẩm mỹ phẩm có chữ nước ngoài. Thời điểm kiểm tra, ông Bùi Văn Tuyển (sinh năm 1985, trú tại tổ 12, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang) khai nhận là người sở hữu lô hàng mỹ phẩm và không xuất trình được các thủ tục giấy tờ liên quan đến toàn bộ lô hàng hoá nêu trên.
Trước đó 1 ngày, ngày 8/9, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT Hà Giang) cũng thu giữ được 20.000 sản phẩm mỹ phẩm bao gồm: các loại kem dưỡng da, kem trị nám, nước xả vải, tẩy lồng giặt, xịt chống nắng, kem chống nắng, kem tắm trắng, bột tắm trắng, kem body dưỡng trắng, serum dưỡng da, kem dưỡng hoàng cung màu xanh, màu tím, thuốc nhuộc tóc, sữa tắm, nước hoa, dầu gội... tại 3 cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang.
Tất cả số hàng mỹ phẩm này đều được các đối tượng cất giấu phía sau cửa hàng hoặc chứa đựng trong các bao tải, thùng carton hòng che mắt lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở không xuất trình được các thủ tục giấy tờ của số hàng hoá nêu trên. Các đối tượng khai nhận, toàn bộ hàng hóa trên đều được mua trôi nổi trên thị trường online và được bán qua mạng cho người tiêu dùng và phân phối cho các địa phương khác.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hoá vi phạm (Ảnh: Cục QLTT Hà Giang) |
Tình hình buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng không chỉ xảy ra ở Hà Giang mà còn diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ tính trong vòng 1 tháng qua, nhiều vụ buôn bán mỹ phẩm nhập lậu với hàng chục nghìn sản phẩm bị phát hiện trên cả nước. Mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng không những được bán tại cửa hàng mà còn được rao bán rầm rộ trên mạng.
Tại Bình Thuận, ngày 21/8, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Bình Thuận) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm do bà Nguyễn Thị L. làm chủ trên địa bàn huyện Tánh Linh. Tại thời điểm kiểm tra, bà L. không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh của cơ sở. Ngoài ra, Đội QLTT số 5 phát hiện tại cơ sở này đang kinh doanh lô hàng 1.823 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Đội QLTT số 5 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà L. và chuyển hồ sơ đề nghị Cục QLTT Bình Thuận xem xét, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền về các hành vi vi phạm hành chính: không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định, kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Cơ quan chức năng xác định bà L. là chủ tài khoản Facebook TBC Shop hoạt động livestream bán các loại mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Cũng tại Bình Định, trong 2 ngày 6-7/8, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra 2 xe ô tô tải biển kiểm soát: 29H-284.xx và 29H-419.xx, phát hiện số lượng lớn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 500.000.000 đồng. Lô hàng gồm 4.151 đơn vị sản phẩm giày, dép, túi xách, kim xăm,... các loại; 7.010 chiếc khẩu trang; 115 chiếc/dây/bộ máy, nồi, hàng điện, điện tử; 2.209 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm; 100 bì thuốc gia truyền và và 352 đơn vị sản phẩm thực phẩm, viên uống các loại.
Còn tại Lào Cai, ngày 18/8, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Lào Cai) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Lào Cai tiến hành kiểm tra tại số 030 Trương Định, phường Bắc Cường, TP. Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở là bà Bùi Thị Thùy Linh, sinh năm 1995. Bà Linh cũng là chủ tài khoản Facebook“ Shop Linh Thuy 6886”. Bà Linh khai nhận toàn bộ số hàng hóa được bày trong 2 gian nhà được vận chuyển từ dưới xuôi lên. Bà có đăng ký kinh doanh, nhưng không treo biển mà tổ chức vận chuyển hàng về để bán online.
Toàn bộ số hàng hơn 5.000 sản phẩm hàng hóa tại thời điểm kiểm tra bà Linh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan. Lô hàng gồm: áo phao nữ mùa đông các loại: 200 chiếc; đồng hồ đeo tay nữ, nhãn hiệu DIOR: 110 chiếc; mỹ phẩm (phấn nước, kem chống nắng, nước tẩy trang, son) các loại: 2348 lọ; tất chân trẻ em các loại: 1250 đôi; sữa tắm các loại: 146 chai; quạt đồ chơi trẻ em: 1440 chiếc.
Tại Long An, vào ngày 14/8, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT Long An) phối hợp với công an xã Nhơn Thạnh Trung tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thuộc ấp Bình Trung, xã Nhơn Thạnh Trung, thành phố Tân An, do bà Nguyễn Thị Anh Thư làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2.243 sản phẩm mỹ phẩm các loại nhưng trên nhãn không ghi tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hồ sơ công bố chất lượng số lượng sản phẩm mỹ phẩm tại cơ sở.
Anh Tuấn