Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong tháng 9 vừa qua nước ta đã nhập khẩu hơn 378.000 tấn phân bón, tương đương hơn 140 triệu USD, giảm 15,8% về lượng và giảm 10,9% về kim ngạch so với tháng trước.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm nước ta đã nhập hơn 3,8 triệu tấn phân bón với trị giá hơn 1,28 tỷ USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 29,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhập khẩu bình quân đạt 371 USD/tấn, tăng 12% so với 9T/2023.
Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp phân bón lớn nhất của Việt Nam với hơn 1,6 triệu tấn, tương đương hơn 519 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 16,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến thị trường Nga với hơn 447.000 tấn, tương đương 191,92 triệu USD, tăng 130,2% về lượng và tăng 109% về kim ngạch so với năm trước.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Lào đạt hơn 263.000 tấn, tương đương 68,27 triệu USD và là nhà cung cấp lớn thứ 3 của Việt Nam, tăng 18,4% về lượng, nhưng giảm 9,8% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý ngoài 3 thị trường chủ đạo nêu trên, một quốc gia đang tăng mạnh xuất khẩu phân bón vào Việt Nam là Israel . Cụ thể lượng nhập khẩu phân bón từ quốc gia này đạt hơn 80.000 tấn, tương đương hơn 30 triệu USD, tăng mạnh 175% về lượng và tăng 119% về trị giá so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất trong số các nhà cung cấp của Việt Nam và vươn lên vị trí thứ 7.
Giá nhập khẩu bình quân đạt 384 USD/tấn, giảm mạnh 21% so với cùng kỳ năm trước.
Phân bón là mặt hàng đã trải qua nhiều biến động trong vòng 2 năm gần đây. Hồi đầu tháng 9/2023, Trung Quốc yêu cầu một số doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu urê sau khi giá trong nước tăng vọt. Những động thái của nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới đã khiến giá urê thế giới đi lên, đồng thời là yếu tố tác động đến xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Kể từ đầu năm đến nay, lượng nhập khẩu phân bón từ Isreal liên tục tăng mạnh. Quốc gia này chiếm khoảng 6% tổng sản lượng kali toàn cầu, đồng thời là nước xuất khẩu kali lớn thứ tư trên thế giới, sau Canada, Nga và Belarus khi cung cấp khoảng 8% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu vào năm 2022.
Đối với Việt Nam, tổng công suất thiết kế sản xuất phân bón của cả nước đạt khoảng 20,7 triệu tấn, trong đó phân bón vô cơ là 16,1 triệu tấn, hữu cơ là 4,6 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ phân bón hàng năm là 10,4 triệu tấn/năm.
Việt Nam đang cân nhắc áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón. Cụ thể, Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) đã đưa phân bón thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), với mức thuế 5%, trong khi luật hiện hành đang là đối tượng không chịu thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, những ý kiến khác nhau về quy định áp thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ được Bộ tiếp thu, xin ý kiến và sẽ đánh giá lại tác động một lần nữa, sau đó trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024.