Theo báo cáo ngành dệt may của công ty chứng khoán quốc tế (VIS), có 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là áo thun, quần và áo jacket. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tương đối cao, từ 700 triệu USD trở lên gồm có váy, quần áo trẻ em, vải, quần sooc…
Theo đó, doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu dành một nguồn lực đầu tư lớn vào các công nghệ hiện đại để bắt kịp xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện đã có nhiều nhà máy đầu tư vào thiết bị công nghệ hiện đại, robot. Các doanh nghiệp đã và đang có giải pháp thay đổi kết cấu mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng giá trị tăng cao.
VIS cho biết, một số thị trường xuất khẩu như Hàn Quốc đang nổi lên rất nhanh. Khoảng cách thị phần hàng dệt may tại thị trường Hàn Quốc giữa Trung Quốc và Việt Nam được rút ngắn từ 40% - 29,5% cách đây 3 năm giờ là gần như tương đương nhau 32,7%. Việc hàng dệt may Việt Nam tăng trưởng mạnh vào thị trường Hàn Quốc nhờ chất lượng hàng dệt may VN được nâng cấp tạo sức cạnh tranh cao so với các quốc gia khác.
Ngoài ra nhờ những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, với 24 dòng sản phẩm trong nhóm mặt hàng này được hưởng ưu đãi về thuế thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Ngoài ra việc nhiều tập đoàn thời trang và may mặc Hàn Quốc đầu tư vào ngành dệt may (như TCM) đã tạo thêm các mối quan hệ giao thương hai nước.
VIS dự báo báo dệt may Việt Nam có thể tăng 20% xuất khẩu vào Hàn Quốc các tháng còn lại nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.