Trong bối cảnh các tiêu chuẩn về y tế toàn cầu được nâng cao, thị trường găng tay y tế và phòng thí nghiệm mở rộng, giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Top Glove, ông Lim Wee Chai, cho biết công ty đang tìm kiếm các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A), hoàn tất xây nhà máy mới ở Malaysia và Thái Lan.
“Chúng tôi sẽ xây ít nhất một đến hai nhà máy mỗi năm và sẵn sàng đón nhận các cơ hội M&A, liên doanh trong hoạt động kinh doanh liên quan”, ông Lim nói. Top Glove phân bổ gần 100 triệu USD mỗi năm để mở rộng và nâng cấp tự động hóa các nhà máy.
Top Glove dự kiến đầu tư 24,5 triệu USD để xây nhà máy tại Việt Nam. Lim kỳ vọng nhu cầu găng tay toàn cầu tăng khoảng 10%/năm. Nhà máy tại Việt Nam sẽ bắt đầu sản xuất găng tay PVC từ giữa năm 2020, sản lượng khoảng 4 tỷ chiếc/năm.
Top Glove, vốn hóa thị trường chỉ hơn 3 tỷ USD, báo lãi 105,7 triệu USD trong năm 2018 với doanh thu 1 tỷ USD. Công ty điều hành 40 nhà máy ở châu Á, gồm một nhà máy ở Trung Quốc, và xuất khẩu sang 195 thị trường trên thế giới.
Lim, 61 tuổi, thành lập Top Glove năm 1991 chỉ với một dây chuyền sản xuất. Ông cho biết quyết định mở nhà máy ở Việt Nam trong năm sau không vì mục tiêu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Bắc Kinh – Washington chưa kết thúc.
Nhà sáng lập Top GloveLim Wee Chai. Ảnh: Nikkei.
Top Glove kỳ vọng có 872 dây chuyển sản xuất riêng biệt vào tháng 12/2020, tăng từ con số 648 trong năm nay, tổng sản lượng hàng năm sẽ đạt 83,3 tỷ găng tay. Sản lượng của Top Glove trong hai năm 2018 và 2017 lần lượt là 63 tỷ chiếc và 49 tỷ chiếc.
Theo Nafisah Azmi, nhà phân tích tại AmInvestment Bank, biên lợi nhuận ròng của Top Glove năm nay giảm còn 8%, thấp hơn mức 11,1% trong năm ngoái.
“Chúng tôi tin Top Glove có thể khôi phục biên lợi nhuận trong quý IV của năm tài chính, kết thúc ngày 31/8/2019, lên 16% khi công ty tăng giá bán sản phẩm găng tay cao su tự nhiên tương ứng với biến động giá nguyên liệu thô”, Nafisah nói.
Dù vậy, Top Glove vẫn phải tiếp tục đối mặt những áp lực từ việc các đối thủ tăng nguồn cung, như Sri Trang của Thái Lan. Sri Trang dự kiến nâng sản lượng găng tay cao su lên 30 tỷ chiếc vào năm 2022 từ mức 17 tỷ chiếc hiện tại.
Nabil Zainoodin, nhà phân tích tại MIDF Amanah Investment Bank, nói “các nhà sản xuất găng tay toàn cầu đua nhau tăng năng suất đã khiến giá bán chịu sức ép giảm nhưng ảnh hưởng này có thể được loại bỏ nhờ doanh số cao hơn”.
Ảnh: Nikkei.
4 nhà máy mới tại Malaysia cùng một nhà máy mới tại Thái Lan được cho là sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2020. Top Glove cũng muốn tăng cường phát triển mảng kinh doanh bao cao su, tham gia thị trường ống thông y tế bằng cách liên doanh hoặc M&A.
“Chúng tôi vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và đang đăng ký tại nhiều nước, xin chứng nhận từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”, theo ông Lim. “Thông qua nền tảng khách hàng hiện tại và mạng lưới tốt, chúng tôi có thể tiến nhanh hơn nữa khi hoàn tất đăng ký và được cấp chứng nhận để bắt đầu phân phối”.
Top Glove hiện sản xuất khoảng 200 triệu bao cao su mỗi năm và nhu cầu dự báo tăng trong bối cảnh nhận thức ngày càng tăng về an toàn tình dục và ngăn bệnh lây lan qua đường tình dục.
Top Glove sẽ đầu tư 12,2 triệu USD trong năm 2020 vảo một cơ sở sản xuất ống thông y tế, theo kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm – bao gồm cả găng tay có thể phân hủy sinh học nhanh gấp 10 lần so với găng tay phổ thông.
“Găng tay vẫn là sản phẩm chính của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tìm cách đa dạng hóa kinh doanh sang các sản phẩm khác liên quan đến y tế”.
Hiểu mối lo ngại từ giới phân tích về nguy cơ dư cung, Lim cho rằng đây chỉ là tình trạng tạm thời bởi các tiêu chuẩn vệ sinh trên thế giới sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu găng tay cao su.
“Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào những quốc gia mới nổi, nơi tỷ lệ sử dụng găng tay còn thấp nhưng đang tăng mạnh”, Lim cho biết. “Các sản phẩm của chúng tôi hiện gồm nhiều loại găng tay, các sản phẩm nguồn gốc cao su. Do đó, chúng tôi tin còn nhiều cơ hội có thể đón nhận”.