Anh Trần Nam (Long Biên, Tp. Hà Nội) biết đến Temu khi thấy quảng cáo về trang này trên mạng xã hội. Thấy mức giá các sản phẩm quá hấp dẫn, anh click vào xem thử và được mời tham gia quay vòng quay trúng thưởng với các mức độ khuyến mãi hàng hoá khác nhau, từ 50 – 80% giá trị. Ngay lần quay đầu tiên, anh Nam đã trúng ô giảm 80% - mức giảm cao nhất, và được hướng dẫn cài đặt ứng dụng Temu để mua sắm . Với mức khuyến mãi vừa nhận được, anh Trần Nam có thể mua nhiều sản phẩm tiền triệu với giá chỉ vài trăm ngàn, thậm chí còn miễn phí vận chuyển. Điều này quả thực là một trải nghiệm mua sắm hấp dẫn.
Song một khách hàng khác, anh T. Hải lại cho biết: " Dù đã download app Temu được 10 ngày do không thể cưỡng được sức hấp dẫn của quảng cáo, tôi vẫn "giữ mình" khi không click vào giỏ hàng để rinh về món đồ được Temu giảm giá tới 96% + free ship vì không muốn rước thêm "rác" về nhà. Đơn giản vì trong nhà tôi đã có quá nhiều món đồ được đặt vô tội vạ từ các sàn thương mại khác và không sử dụng được hoặc không sử dụng tới".
Theo chia sẻ của anh Hải, có những sản phẩm như cây lau nhà thông minh được quảng cáo vô cùng hấp dẫn và tiện dụng trên các nền tảng MXH nhưng không dùng được một lần nào và trở thành rác trong cảm giác ấm ức.
" Không thể phủ nhận rằng sự bùng nổ của những sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đã mang lại cho người tiêu dùng rất nhiều những tiện ích nhưng cũng mang tới không ít phiền não mỗi lần phải dọn "rác" như thế. Chúng ta không thể ngăn được hàng hoá Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém tràn vào Việt Nam nhưng trên góc độ của một người tiêu dùng cẩn trọng, chúng ta có thể chậm lại một nhịp để chỉ click chuột vào những món đồ thực sự cần hoặc ta biết chắc rằng chúng hữu dụng. Viết những dòng này, tôi nhớ đến một câu nói của ông Warren Buffett: Nếu bạn mua những thứ bạn không cần, bạn sẽ sớm phải bán đi những thứ bạn cần" – Anh Hải viết trên trang cá nhân của mình.
Temu là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc) - nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay. Thời gian gần đây, Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người dùng. Điểm nổi bật của Temu là giá sản phẩm rất rẻ so với các sàn thương mại điện tử khác và chỉ bằng một nửa so với các mặt hàng trong nước.
Sở dĩ hàng Temu có giá thấp như vậy, theo lý giải của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, là do sàn này đã áp dụng một loại hình kinh doanh không giống với truyền thống, cũng rất khác với các sàn thương mại điện tử khác là mô hình M2C. Trong mô hình kinh doanh này, các khâu trung gian như nhà nhập khẩu và nhà phân phối, bán lẻ, quảng cáo đều được loại bỏ. Theo đó, hàng hóa sẽ đi thẳng từ các nhà sản xuất Trung Quốc đến tay người tiêu dùng nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Những khâu này có khi chiếm đến 80% giá thành một sản phẩm.
Thêm nữa, Temu cũng có cách tiếp cận độc đáo, khác lạ so với các sàn khác là trợ cấp chi phí vận chuyển, tức Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Thế nhưng, thực hư chuyện giá rẻ này tới từ đâu, các chuyên gia cũng tỏ ra khá thận trọng khi nhận định, bởi sàn thương mại này còn quá mới mẻ ở Việt Nam và cần thêm thời gian để theo dõi.
Trong sự bùng nổ của thương mại điện tử, hình thức "mua trước, trả tiền sau" và các chiêu thức khuyến mãi siêu hấp dẫn, người tiêu dùng rất dễ sa vào những "cơn nghiện" mua sắm mất kiểm soát. Bởi vậy, tiêu dùng thông minh, quản lý tài chính và thu chi hợp lý là những kiến thức vô cùng quan trọng.
Bạn cần trang bị cho mình cách chọn lọc, đánh giá và sử dụng thông tin tiêu dùng đúng đắn trong từng trường hợp. Đặc biệt, người tiêu dùng thông minh luôn biết điều khiển cảm xúc của mình, sử dụng lý trí để tiêu dùng và biết cách xây dựng kế hoạch trước khi mua sắm bất cứ thứ gì.
Đầu tiên, hãy xây dựng kế hoạch chi tiêu hàng tháng , bởi mua sắm một cách tùy hứng rất dễ khiến bạn bị "cháy túi" trong thời gian ngắn. Sau đó, hãy lên danh sách đồ cần mua trước khi tiến hành mua sắm để không quên những đồ dùng thiết yếu và tránh tình trạng lãng phí tiền bạc khi mua những món đồ không sử dụng được.
Không mua đồ theo phong trào , do giá rẻ hoặc để khoe khoang. Đây là cách tiêu dùng thụ động và lãng phí. Các doanh nghiệp thường kích cầu mua sắm của người tiêu dùng bằng cách áp dụng chính sách giảm giá. Vì vậy, bạn sẽ khó mà tránh được cái "bẫy" này nếu không đủ tỉnh táo.
Không mua sắm theo cảm xúc . Mua sắm để giải tỏa cảm xúc là cách mà phái nữ thường làm. Tuy nhiên, khi tâm trạng ổn định lại, thường thì bạn sẽ cảm thấy món đồ đã mua thực sự không cần thiết. Do đó, thay vì đi mua sắm để xả stress, bạn có thể giải trí bằng cách xem phim, nghe một bài hát yêu thích hoặc đơn giản là có một giấc ngủ ngon, thư giãn trong chính ngôi nhà của mình.
Đừng tin vào quảng cáo . Quảng cáo là cách giúp người tiêu dùng có thêm thông tin để tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những quảng cáo tạo ra giá trị cho khách hàng và doanh nghiệp thì còn những quảng cáo thổi phồng sản phẩm, khiến người mua dễ dàng bị "lừa". Vì vậy, để trở thành người tiêu dùng thông minh, bạn cần biết chọn lọc thông tin và tìm hiểu sản phẩm kỹ càng trước khi mua.