Giá dầu Brent áp sát 75 USD/thùng
Giá dầu chốt phiên giao dịch tuần qua khá ổn định sau khi những bất ổn chính trị đang dần dịu lại. Giá dầu thô kỳ hạn tại Mỹ giao dịch quanh mức 68 USD/thùng, gần đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, tăng 2% trong tuần qua trong khi giá đầu Brent cũng áp sát mức 75 USD/thùng, tăng 5,9% trong tháng 4. Từ đầu năm tới nay, giá dầu thô kỳ hạn đạt trung bình 64 USD, tăng mạnh so với mức trung bình 50,85 USD vào năm 2017 và 43,47 USD trong năm 2016.
Thị trường dầu tuần qua bị chi phối bởi lo ngại Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt trở lại đối với Iran, sản lượng dầu của Venezuela sụt giảm, và nhu cầu tiêu thụ dầu ngày càng cao, chứng khoán tăng giá.
Tuy nhiên, mức tăng giá dầu cũng không mạnh khi mà sản lượng của Mỹ vẫn tiếp tục tăng lên kể từ tuần trước. Dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ tăng bất ngờ trong tuần vừa qua mặc dù xuất khẩu cao kỷ lục. Dự trữ dầu thô đã tăng 2,2 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 20/4, so với kỳ vọng giảm 2 triệu thùng. Dự trữ xăng tăng 840.000 thùng, so với dự báo chỉ là 625.000 thùng. Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ tăng trong bốn tuần liên tiếp và kết thúc tháng này tăng mạnh hơn do các nhà sản xuất có kế hoạch tăng sản lượng để kiếm lời khi giao dịch dầu thô gần mức cao nhất trong ba năm.
Vàng tăng cao
Giá vàng tăng cao trong ngày 27/04 nhưng có khả năng sẽ trở lại mức thấp 5 tuần qua sau khi triển vọng về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, khiến vàng không còn hấp dẫn là nơi trú ẩn an toàn nữa.
Giá vàng giao kỳ hạn tháng 6 chốt phiên giao dịch tăng 5,50 USD, tương đương 0,42% lên mức 1323,40 USD/ounce. Mặc dù vậy, giá vàng vẫn giảm 1,1% trong tuần qua. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm từ mức 3% đầu tuần xuống còn khoảng 2,96% cuối tuần.
Các nhà quan sát khẳng định, thiện chí của hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc-Triều Tiên tại cuộc gặp lịch sử này đang làm dấy lên hy vọng về một giải pháp hiệu quả nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời mở ra cơ hội tiến tới phi hạt nhân hóa.
Đồng đô la đạt mức cao nhất trong 3 tháng rưỡi so với rổ tiền tệ do lợi suất trái phiếu cao hơn trong khi đồng euro bị cản trở bởi tình hình u ám từ Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Đối với các kim loại quý khác, giá bạc giao tháng 7 giảm 7 cent, tương đương 0,42%, xuống mức 16,497 USD/ounce. Giá bạch kim giao tháng 7 tăng 6,3 USD, tương đương 0,69%, đóng cửa ở mức 916,40 USD/ounce.
Gạo Việt Nam tăng tuần thứ 5 liên tiếp
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng tuần thứ 5 liên tiếp do nhu cầu mạnh trong khi nguồn cung giảm dần, tuy nhiên gạo Ấn Độ và Thái Lan giảm bởi nội tệ yếu đi so với USD.
Loại 5% tấm của Việt Nam giá tăng lên 445-450 USD/tấn, từ mức 438-440 USD/tấn cách đây một tuần. Vụ Đông Xuân của Việt Nam đã thu hoạch xong nên nguồn cung giảm dần.
Gạo cùng loại 5% tấm của Ấn Độ giảm 8 USD xuống 409 – 413 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 4 tháng rưỡi; trong khi gạo Thái Lan giảm từ 445-454 USD/tấn xuống 440–445 USD/tấn. Baht Thái đã giảm khoảng 0,7% trong tuần qua, đồng rupee cũng giảm xuống mức thấp nhất gần 14 tháng so với USD. Ngày 27/4, Philippines gặp gỡ các nhà xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan để đàm phán về hợp đồng 250.000 tấn. Các nhà xuất khẩu Thái Lan và Việt Nam đang tích cực mua gạo để thực hiện hợp đồng giao hàng cho Indonesia - trước khi kết thúc tháng 5.
Thép tăng cao nhất 7 tuần
Giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc tăng cao vào cuối phiên giao dịch ngày 27/04, đạt mức tăng cao nhất hàng tuần trong gần 5 tháng qua do nhu cầu xây dựng vững.
Cùng với việc hỗ trợ các nhà đầu tư, Trung Quốc đang mở đàm phán với Mỹ để giải quyết căng thẳng thương mại thông qua đối thoại.
Giá thép cây hợp đồng giao tháng 10 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải chốt phiên tăng 0,8% lên 3.593 NDT (567 USD)/tấn. Giá sản phẩm thép xây dựng đạt 3.613 NDT vào 26/04, cao nhất 7 tuần.
Giá hợp đồng tham khảo đã tăng 3,4% trong tuần này, mức tăng lớn nhất kể từ đầu tháng 12. Lượng tồn kho thép cây tại các thương nhân Trung Quốc đã giảm 21%, so với mức cao nhất trong 5 năm đạt được vào giữa tháng 3 xuống còn 7.69 triệu tấn vào ngày 20/4, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Nhiều nhà máy Trung Quốc đã tăng sản lượng khi nhu cầu cao. Trong khi công cuộc chống ô nhiễm vẫn tiếp tục dừng hoạt động tại một số nhà sản xuất.
Ít nhất ba nhà máy thép tại thành phố Tuyền Châu của Trung Quốc, thuộc tỉnh Giang Tô, phải ngừng hoạt động cho đến khi đáp ứng được các quy chuẩn chống ô nhiễm. Ba nhà máy này có tổng công suất sản xuất 4,25 triệu tấn thép mỗi năm, bằng 1/3 công suất của thành phố.
Giá nguyên liệu thép giảm cũng đã hạn chế phần nào xu hướng tăng giá thép. Giá quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 1,3% còn 460.50 NDT/tấn. Giá than cốc giảm 1,2% xuống 1.894,50 NDT.
Cà phê xuất khẩu Việt Nam giảm
Mức chênh lệch giá cà phê Indonesia giảm trong tuần này do nguồn cung vững trong khi giá nội địa Việt Nam giảm, theo Reuters.
Mức chênh lệch giữa giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) của Indonesia và giá hợp đồng tháng 7 tại London đã giảm xuống còn 110- 120 USD/tấn trong tuần này, so với 120- 150 USD/tuần trước đó, các thương nhân cho biết.
Nông dân vẫn đang cung cấp cà phê hạt ra thị trường trong khi các nhà sản xuất cà phê hòa tan trong nước đang làm chủ hoạt động giao dịch và chào giá cao hơn so với nước ngoài.
Tại Việt Nam, nước cung cấp cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil, nhu cầu yếu từ các nhà nhập khẩu và giá giảm tại Luân Đôn đã kéo giá nội địa giảm xuống 36.500-36.800 đồng (1,60 - 1,62 USD)/kg so với mức giá tuần trước là 37.000 - 37.300 đồng.
Hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tại London giảm 1,2% xuống 1.760 USD/tấn trong ngày 25/04. Các thương nhân Việt Nam cho biết chênh lệch giá cà phê đen 5% và cà phê robusta loại 2 vỡ đạt mức 60- 90 USD giao hàng tháng 7, bằng mức tuần trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng ngày 28/4