Nhiều doanh nghiệp thép xây dựng tiếp tục giảm giá sản phẩm từ 27/5 và là lần giảm thứ ba liên tiếp trong vòng hơn nửa tháng.
Hòa Phát tại miền Bắc giảm 210.000 đồng/tấn và 270.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và D10 CB300 xuống còn lần lượt 17,64 triệu đồng/tấn và 18,01 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, giá hai loại trên hạ lần lượt 470.000 đồng/tấn, 370.000 đồng/tấn xuống còn 17,56 triệu đồng/tấn và 17,91 triệu đồng/tấn.
Thép Kyoei cũng giảm 500.000 đồng/tấn và 390.000 đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300. Sau thay đổi, giá còn lần lượt là 17,57 triệu đồng/tấn và 17,88 triệu đồng/tấn.
Với thương hiệu thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm theo thứ tự là 410.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn xuống còn 17,57 triệu đồng/tấn và 17,93 triệu đồng/tấn.
Với Việt Đức ở khu vực miền Bắc, CB240 và D10 CB300 hạ 490.000 đồng/tấn và 390.000 đồng/tấn xuống còn 17,32 triệu đồng/tấn và 17,98 triệu đồng/tấn.
Như vậy, từ đầu năm tới nay, giá thép xây dựng trong nước trải qua 10 lần điều chỉnh, trong đó 7 lần tăng và ba lần giảm. Giá thép đã thấp hơn 1-1,5 triệu đồng/tấn so với tháng 5. Trong đó, loại CB240 của Hòa Phát miền Bắc giảm 1,48 triệu đồng/tấn. Cũng loại thép trên của Việt Ý giảm 1,32 triệu đồng/tấn. CB240 của Thép Miền Nam hạ 1,42 triệu đồng/tấn.
Nguyên nhân giá đi xuống được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào đang trong xu hướng đi xuống.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h ngày 23/5. Theo đó, xăng E5 RON 92 và RON 95 tăng lần lượt 674 đồng/lít và 669 đồng/lít lên 29.633 đồng/lít và 30.657 đồng/lít. Giá hai loại xăng đều lập kỷ lục mới sau lần tăng thứ 4 liên tiếp.
Diễn biến giá xăng trong thời gian vừa qua.
Trong đợt điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành chi sử dụng 300 đồng mỗi lít cho xăng RON95 từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mức chi từ quỹ này với E5 RON92 là 100 đồng mỗi lít. Các mặt hàng dầu không chi sử dụng từ quỹ.Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này được điều chỉnh giảm 763-1.097 đồng/lít. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel 25.553 đồng/lít, dầu hỏa là 24.405 đồng/kg, dầu mazut là 20.598 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới trong hơn 10 ngày qua có nhiều biến động. Nguồn cung cho thị trường (nhất là khu vực châu Âu) tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc cấm vận đối với các sản phẩm từ Nga, trong khi đó tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục ở mức thấp.
Giá chloroform, chất dùng làm dung môi trong thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm, ngày 26/5 tại Trung Quốc là 3.650 nhân dân tệ/tấn (541 USD/tấn), giảm 5,2% so với ngày trước đó. Từ giữa tháng 4, giá mặt hàng liên tục giảm và hiện thấp hơn 34% so với đỉnh.
Diễn biến giá chloroform. Nguồn: Sunsirs |
Acetone - hóa chất sử dụng trong các chất tẩy rửa sơn móng tay, chất tẩy keo siêu dính, hạ 1,4% so với ngày trước đó và giao dịch ở 5.880 nhân dân tệ/tấn (872 USD/tấn). Trước đó, giá acetone ổn định ở 5.800 nhân dân tệ/tấn (860 USD/tấn) từ ngày 15/5 đến ngày 25/5.
Trong khi đó, giá DAP và photpho vàng giữ nguyên và lần lượt ở các mức 4.125 nhân dân tệ/tấn (612 USD/tấn) và 39.500 nhân dân tệ/tấn (5.862 USD/tấn).
Giá lưu huỳnh giảm 0,3% xuống còn 4.053 nhân dân tệ/tấn (601 USD/tấn).
Theo Trading Economics, giá khí đốt tại Mỹ ngày 26/5 là 9 USD/MMBtu, tăng 0,8% so với ngày trước đó, cao nhất 14 năm. Thời tiết nóng hơn so với dự báo tại Mỹ khiến nhu cầu sử dụng khí đốt để làm mát, làm lạnh tăng cao đẩy tiêu thụ khí đốt và giá lên cao.
Giá khí đốt tại Anh ngày 26/5 là 140 xu Anh/therm (1,7 USD/therm), giảm 6% so với ngày trước đó. Từ giữa tháng 4 đến nay, giá mặt hàng này quanh 130-190 xu Anh/therm (1,6-2,4 USD/therm). So với đỉnh đầu tháng 3, giá khí đốt tại Anh giảm 74%.
Giá mặt hàng này tại châu Âu là 85 euro/mwh (90 USD/mwh), giảm 3,5% so với ngày trước đó, thấp nhất trong ba tháng. Mức dự trữ khí đốt tại châu Âu đã tăng gần 25% trong tháng 5 khiến giá mặt hàng này đi xuống.
Nga cung cấp khoảng 40% tổng lượng mà các quốc gia EU sử dụng và cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu dầu của khối.
Liên minh châu Âu muốn giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, nhiều nước EU đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, và một số nước đã từ chối đồng thuận với lệnh cấm vận dầu mỏ Nga.
Theo Sunsirs, giá giao ngay của một số loại thép tại Trung Quốc ngày 27/5 tăng trở lại. Giá thép cuộn cán nóng là 4.816 nhân dân tệ/tấn (718 USD/tấn), tăng 1,1% so với ngày 26/5 sau khi giảm trong ba ngày trước đó. Giá thép cuộn cán nguội ở mức 5.386 nhân dân tệ/tấn (804 USD/tấn, tăng 0,3% so với ngày 26/5 sau khi giảm liên tục từ đầu tháng 5.
Chính phủ Malaysia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa và giá cả leo thang. Malaysia là quốc gia mới nhất áp đặt hạn chế xuất khẩu lương thực, thực phẩm để đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt. Trước đó, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, còn Indonesia tạm dừng xuất khẩu dầu cọ.
Chính phủ Ấn Độ muốn giới hạn xuất khẩu đường ở mức 10 triệu tấn cho năm xuất khẩu hiện tại (kéo dài đến tháng 9). Mục đích là đảm bảo đủ dự trữ trước khi vụ đường tiếp theo bắt đầu vào tháng 10. Thông tin chính thức có thể được công bố trong những ngày tới. Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Các khách hàng chính của nước này gồm Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Dubai. Giá đường tương lai giao dịch tại London hôm nay đã tăng thêm 1%.
Ngày 24/5, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria, ông Alexander Nikolov cho biết Chính phủ Bulgaria cân nhắc lại sau khi từ chối trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble. Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ông Nikolov nhấn mạnh hiện không cần từ chối thanh toán bằng đồng ruble của Nga vì Đức và Italia cũng thực hiện chính sách tương tự. Theo Bộ trưởng Nikolov, Chính phủ Bulgaria sẽ nêu vấn đề này trong cuộc họp với Ủy ban châu Âu.
Thông thường, giá hải sản sẽ giảm sau các kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, từ sau dịp 30/4-1/5 đến nay, đà tăng giá trên thị trường tại TP HCM chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Trần Văn Trường, CEO Hải sản Hoàng Gia, cho biết giá hải sản trong nước và nhập khẩu đang ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Đặc biệt, những khó khăn về thời tiết và biến động giá xăng dầu khiến giá một số loại hải sản trong nước vượt hàng ngoại nhập như cua, ghẹ.