Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác, các hãng hàng không để bảo đảm triển khai kế hoạch khôi phục chuyến bay quốc tế thường lệ nhưng với các vấn đề phát sinh về kiểm soát y tế, khả năng thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ sẽ khó bảo đảm theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hàng không muốn tăng tần suất
Chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến "dấu mốc" mở lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ. Tuy nhiên, đến nay, qua thống nhất với cơ quan quản lý, Cục Hàng không chỉ mới cấp phép bay cho các hãng hàng không trên các đường bay đi đến Nhật Bản, Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Singapore, Campuchia, Mỹ. Chuyến bay đầu tiên là của Vietnam Airlines tới Nhật Bản sẽ diễn ra vào ngày 5-1-2022.
Trong khi đó, số liệu từ Bộ Ngoại giao cho thấy nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài còn rất lớn, ước tính lên tới 140.000 người nên các chuyến bay thương mại thường lệ chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu của hành khách. Do vậy, theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, để đáp ứng nhu cầu của hành khách và tránh những bức xúc có thể xảy ra do tải cung ứng chuyến bay thương mại thường lệ bị hạn chế, các hãng hàng không đều nhất trí cần bổ sung tần suất đối với một số thị trường có dung lượng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để hành khách có thêm cơ hội lựa chọn các mức giá hợp lý hơn.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giai đoạn từ tháng 1-2022 có thể xem xét tăng tần suất khai thác mỗi cặp thị trường, trong thực tế là nhiều thị trường không khai thác hết lượng phân bổ như Mỹ, Campuchia, Lào, việc sử dụng một phần lượng tải không sử dụng tại các thị trường này để dành cho các thị trường có nhu cầu thực sự của công dân cũng như đáp ứng đề xuất của đối tác.
Cục Hàng không cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét đồng ý cho phép triển khai thực hiện như đề nghị của phía Đài Bắc là 5 chuyến/tuần; cho phép nới lỏng biên độ đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc với tần suất mỗi thị trường không vượt quá 10 chuyến/tuần/chiều.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, nhiều hành khách quốc tịch Việt Nam đủ điều kiện để nhập cảnh nước ngoài (có visa và các giấy tờ hợp lệ, đã được hãng hàng không gửi thông tin kiểm tra trước khi xuất phát tại Việt Nam) nhưng khi phỏng vấn trực tiếp tại sân bay đến thì bị từ chối nhập cảnh, phải nằm trong khu vực quá cảnh tại các sân bay nước ngoài trong thời gian dài mà chưa được hồi hương do chưa có quy trình cụ thể đối với đối tượng này. Do đó, cục kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Ngoại giao với vai trò cơ quan chủ trì công tác bảo hộ công dân cần sớm có hướng dẫn.
Phục vụ hành khách chuyến bay quốc tế tại nhà ga quốc tế T2 - sân bay quốc tế Nội Bài tháng 12-2021. Ảnh: PHAN CÔNG
Cần thống nhất các quy định
Theo thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng, cả 9 thị trường kết nối hàng không với Việt Nam giai đoạn đầu đều đã xuất hiện chủng Omicron, do vậy, các quy định mới về kiểm soát biến chủng mới sẽ ảnh hưởng đến những chuyến bay đã và đang triển khai.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết đối với yêu cầu về test (xét nghiệm) nhanh trước chuyến bay nêu tại Công điện 9406/CĐ-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 23-12-2021, cục đã tìm hiểu thông tin về việc tổ chức test nhanh tại sân bay. Theo đó, các sân bay tại Nhật Bản, Mỹ đã có hoạt động test trực tiếp với khung thời gian có kết quả và chi phí ở các mức khác nhau (sân bay Narita, Tokyo sẽ có kết quả sau 2 giờ và chi phí xét nghiệm là 30.000 yen - tương đương 270 USD). Do đây là yêu cầu mới phát sinh, cục sẽ đàm phán với các đối tác còn lại để bổ sung quy định về test nhanh cho hành khách trước khi lên máy bay.
Tại các sân bay Việt Nam, Cục Hàng không sẽ giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp cơ quan y tế địa phương tổ chức triển khai thực hiện test nhanh trên cơ sở hành khách tự chịu chi phí. Tuy nhiên, việc tổ chức test khi nhập cảnh sẽ mất thời gian chờ đợi của hành khách và gây ùn tắc. Đặc biệt, việc test nhanh này chưa có hướng dẫn về quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp dương tính.
Trong giai đoạn trước mắt, để bảo đảm tuân thủ theo công điện, các hãng hàng không chỉ có thể tổ chức chuyến bay từ Nhật Bản và Mỹ.
Một vấn đề khác là ngày 27-12, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu "đối với chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron thì bắt buộc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này bất kể tiền sử đã tiêm vắc-xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó" nhưng lại không có bất kỳ phương án nào kèm theo liên quan đến việc triển khai cách ly như địa điểm, quy trình tiếp nhận cách ly...
Theo cục trưởng Cục Hàng không, nội dung này không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế, khác biệt với các nội dung đã được cục thông báo với các đối tác nên để áp dụng sẽ cần tiếp tục trao đổi lại với toàn bộ các quốc gia/vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, tại công văn ngày 24-12, Sở Y tế TP HCM đề nghị Cảng vụ Hàng không yêu cầu các hãng hàng không cung cấp danh sách người nhập cảnh theo từng chuyến bay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) ít nhất 24 giờ trước khi nhập cảnh, có đủ thông tin địa chỉ nơi lưu trú, cư trú tại Việt Nam.
Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, hiện tại hành khách nhập cảnh đã phải thực hiện khai báo điện tử tại các ứng dụng PC-COVID và IGOVN theo quy định, bao gồm cả thông tin cư lưu trú sau nhập cảnh. Đồng thời, cục cũng đã có hướng dẫn cho các hãng hàng không đối với mỗi chuyến bay được cấp phép khai thác theo kế hoạch này, các hãng hàng không có trách nhiệm tổ chức kiểm tra nhằm bảo đảm hành khách trước khi lên máy bay vào Việt Nam đã hoàn thành các yêu cầu phòng chống dịch. Do đó, yêu cầu của Sở Y tế TP HCM sẽ gây khó khăn và không khả thi trong việc triển khai kế hoạch khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ.
Trên cơ sở đó, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, TP HCM thống nhất các quy định và hướng dẫn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nội lại thay đổi quy định cách ly
Ngày 28-12, UBND TP Hà Nội phát đi công văn hỏa tốc yêu cầu người nhập cảnh đã tiêm đủ số liều vắc-xin hoặc đã khỏi Covid-19 trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú; không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Sau đó, tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.
Doanh nghiệp du lịch sốt ruột
Nhiều doanh nghiệp du lịch lại sốt ruột vì chờ các quy định hướng dẫn cụ thể để đón khách quốc tế, đặc biệt là kiến nghị không cách ly khách du lịch nhập cảnh.
Tại Phú Quốc (Kiên Giang), dù điểm đến này đã được thí điểm mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 20-11 nhưng do lượng khách quá ít nên đến giờ, tổ hợp chợ đêm Phú Quốc Grand World, Saigon Seafood Hub Market và NightZone 68 của Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn tại Phú Quốc United Center vẫn chưa thể mở cửa. Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng Giám đốc Ngôi sao biển Sài Gòn, cho biết đang ngóng những diễn biến tiếp theo sau thời điểm 1-1-2022 - đón khách quốc tế bay thường lệ, rồi mới tính phương án hoạt động trở lại. "Việc Chính phủ đồng ý kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế đem lại hy vọng cho doanh nghiệp. Chúng tôi tha thiết đề nghị Chính phủ đã mở thì mở cho đúng nghĩa. Khó ở đâu, doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành gỡ tới đó" - ông Huỳnh Văn Sơn nói.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis, cũng cho rằng mở lại thị trường hàng không, du lịch là cần thiết vì nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam lúc nào cũng có. Tuy nhiên, quy định cách ly 3 ngày thì rất khó vì khách không thể ở một chỗ hoặc tại khách sạn trong 3 ngày liền, nhu cầu của họ là đi du lịch, khám phá, trải nghiệm. Vì vậy đến giờ, Oxalis chỉ đang nhận đặt tour cho khách tới Việt Nam vào năm 2023 và đang để trống cho năm 2022.
Để thúc đẩy việc đón khách quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới đây đã kiến nghị Chính phủ xem xét khôi phục lại chế độ miễn thị thực dưới 15 ngày đối với du khách du lịch từ một số thị trường, chính sách đã có trước khi Việt Nam đóng cửa vào tháng 3-2020, nhằm tạo nhu cầu cho du khách và tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đồng thời mở rộng phạm vi đón khách du lịch đến Việt Nam trong giai đoạn 2 của lộ trình thí điểm đón khách quốc tế. Cụ thể là cho phép người Việt Nam học tập, sinh sống ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam, người Việt Nam có thẻ xanh Mỹ, thẻ thường trú tại một số quốc gia tham gia Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Cho phép khai thác khách du lịch outbound đối với các thị trường cho phép đón khách du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, bổ sung các địa phương tham gia đón khách du lịch quốc tế trong giai đoạn 2 gồm Bình Định, TP HCM.