Thất thu nặng nề do lượng khách sụt giảm bởi dịch Covid-19, một số hãng hàng không đẩy mạnh mảng chở hàng và thu lợi nhuận lớn. Tận dụng cơ hội này, tại Việt Nam, một đại gia chuẩn bị lập hãng bay chuyên chở hàng hóa.
‘Ông trùm’ hàng hiệu lập hãng bay chở hàng
Công ty cổ phần IPP Air Cargo, một thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vừa trình Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ngành liên quan xem xét chủ trương thành lập dự án hãng hàng không chuyên vận tải hàng hoá, hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.
Tổng vốn đầu tư dự án là 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, còn 70% từ các cổ đông khác. Nếu được cấp phép, Air Cargo dự kiến sẽ cất cánh từ 2020.
Công ty cổ phần IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh ngày 10/3/2021, do ông Nguyễn Hạnh (tức ông Johnathan Hạnh Nguyễn), chủ tịch hội đồng thành viên IPPG, làm chủ tịch HĐQT. Tổng giám đốc - người đại diện pháp luật là bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn). Công ty có trụ sở tại quận 1, TP.HCM.
Ông trùm hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lấn sân sang lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không |
Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Số lượng máy bay sẽ tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.
IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên. Doanh nghiệp đặt mục tiêu có chuyến bay thương mại đầu tiên từ quý 2/2022 và có lãi từ năm thứ tư.
IPPG là tập đoàn bán lẻ của Việt Nam, chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước. Đây cũng là cổ đông lớn tại Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Công ty cổ phần Nhà ga hàng không quốc tế Cam Ranh (CRTC). Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng giữ chức Chủ tịch cả hai công này.
Trong bối cảnh u ám của hàng không trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm nay, hành khách vắng bóng, tàu bay nằm la liệt tại bãi đỗ sân bay, các hãng hàng không thua lỗ lớn thì với mảng vận tải hàng hóa và logistic sân bay vẫn duy trì doanh thu và lợi nhuận, thậm chí còn có lãi.
Chẳng hạn, CTCP Dịch vụ hàng hoá Nội Bài (Noibai Cargo - NCT) lũy kế cả năm 2020 đạt tổng doanh thu gần 697 tỷ đồng, giảm 21,6% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của Noibai Cargo đạt 206,75 tỷ đồng giảm 14,6%, nhưng tăng 8% so với kế hoạch đặt ra đầu năm.
Sang quý 1/2021, doanh nghiệp này thu hơn 166 tỷ đồng và lãi sau thuế 51 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với quý gần nhất.
Hàng không tháo ghế để vận tải hàng hóa (Ảnh VNA) |
Với Công ty Dịch vụ vận tải Sài Gòn (SCSC), lợi nhuận quý 4/2020 cũng đạt mức cao nhất trong 3 năm. Ddoanh thu của SCS trong năm 2020 đạt gần 693 tỷ đồng, giảm 7,4%; lợi nhuận sau thuế đạt 464 tỷ đồng, giảm 7,5% so với năm 2019. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của SCS mặc dù giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn ở mức rất cao, 78%.
Sang quý 1 năm nay, doanh thu của SCS ở mức 196 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 137 tỷ đồng.
Bám sát diễn biến thị trường, tập trung nguồn lực phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không duy trì kế hoạch khai thác, đặc biệt là khai thác các chuyến bay freighter chuyên chở hàng hoá, đã đem lại kết quả lạc quan trên cho cả Noibai Cargo và Dịch vụ vận tải Sài Gòn.
Cửa sáng cho hàng không
Khi không có khách, nhu cầu vận tải hàng hóa vẫn có và thậm chí còn tăng cao. Cái khó ló cái khôn. Các hãng bay nội địa tính đến phương án tháo dỡ ghế hành khách để vận tải hàng hóa.
Được sự đồng ý của cơ quan chức năng, Vietjet Air là hãng bay đầu tiên trong nước áp dụng phương thức này. Nhờ đó, trong năm 2020, Vietjet Air đã chuyển đổi cấu trúc một số tàu bay, tăng cường năng lưc vận tải hàng hoá. Hãng đã vận chuyển được hơn 60.000 tấn hàng hoá giữa các nước, doanh thu vận tải hàng hoá tăng 75% so với năm trước.
Riêng trong quý 4/2020, doanh thu bán vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước của hãng tăng nhanh, đạt 75%, cả năm 2020 tăng trưởng 16%. Thông qua các thỏa thuận liên danh, hàng hóa của Vietjet đã đi tới châu Mỹ, châu Âu - những điểm đến mà trước đó hãng chỉ mới lên kế hoạch.
Vietjet Air có nguồn thu lớn từ vận tải hàng hóa trong năm 2020 |
Với Vietnam Airlines, năm 2020, hãng cũng vận chuyển được gần 200.000 tấn hàng hoá với doanh thu trên 5.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia logistics cho rằng, Việt Nam vẫn đang kiếm soát tốt dịch bệnh và năm 2020 đặt mức tăng trưởng dương. Dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,9% theo kịch bản cao nhất. Khi đó, thị trường hàng không sẽ có sự phục hồi, tăng trưởng và là cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong đó có doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Một nghiên cứu thị trường của Công ty Research and Markets cho thấy, trong 5 năm tới, dự kiến khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu toàn cầu phục hồi hậu Covid-19, cùng với đó, cơ hội xuất khẩu hàng hoá của nước ta cũng sẽ mở rộng nhờ các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo thêm nhiều tiềm năng tăng trưởng cho lĩnh vực logistics hàng không của Việt Nam.
Mặc dù vận tải hàng hoá bằng đường hàng không của Việt Nam chỉ chiếm 0,23% tổng khối lượng vận chuyển, nhưng lại chiếm tới 25% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước vì giá trị hàng hoá cao.
Trong khi đó, Việt Nam có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa riêng biệt. Hiện hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam là do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. Chính vì thế, đây là cơ hội để đẩy mạnh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không, mà sự ra đời của một hãng bay chuyên vận tải hàng hóa được coi là bước đi nhanh nhạy và hợp lý của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Bản thân vị Chủ tịch IPPG cũng là người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Trước khi tham gia kinh doanh dịch vụ tại sân bay và đầu tư vào cảng hàng không, ông từng làm thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors và Tổng đại diện của Philippines Airlines tại Đông Dương.
Bảo An