Hàng không kiến nghị tiếp tục được hỗ trợ vốn để duy trì, sau khi lâm vào khủng hoảng chưa từng có kể từ Thế chiến II

05/12/2021 10:11
Tại tham luận trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: "Phục hồi và phát triển bền vững" diễn ra ngày 5/12, đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam ( Vietnam Airlines) thông tin, đại dịch COVID-19 đã khiến ngành hàng không lâm vào khủng hoảng chưa từng có kể từ sau Thế chiến II.

Vietnam Airlines dẫn chứng từ số liệu của Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA): Năm 2020 khách luân chuyển trên toàn thế giới năm 2020 giảm 66% so với 2019, cùng với đó là số lỗ kỷ lục của ngành hàng không lên tới 126,4 tỷ USD.

Năm 2021, dự báo khách luân chuyển sẽ giảm 50% so với năm 2019 và số lỗ dự kiến của ngành hàng không là 57,8 tỷ USD.

Những sụt giảm nặng

Theo cập nhật của IATA vào đầu tháng 10/2021, Chính phủ các quốc gia đã hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không toàn cầu 243 tỷ USD, bao gồm các khoản: hỗ trợ lương không hoàn lại (81 tỷ USD);  cho vay có hoàn lại hoặc hoãn thanh toán (73 tỷ USD); hỗ trợ không hoàn lại trực tiếp như tiền, mua cổ phần... (38 tỷ USD); bảo lãnh vay nợ (26 tỷ USD); hỗ trợ thuế doanh nghiệp, thuế phí vé máy bay (25 tỷ USD); các hỗ trợ khác như thuế nhiên liệu (1 tỷ USD).

Điển hình như Mỹ đã triển khai ba gói cứu trợ từ khi đại dịch xảy ra với tổng giá trị khoảng 74 tỷ USD. Mục đích của các gói cứu trợ chủ yếu là trả lương cho người lao động, hỗ trợ các hãng hàng không và một số doanh nghiệp trong ngành, trong đó các hãng hàng không nhận khoảng 54 tỷ USD.

Đối với thị trường hàng không Việt Nam, năm 2020, tổng thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm gần 56% so với năm 2019. Theo tính toán của Vietnam Airlines, dự báo con số này của năm 2021 sẽ chỉ bằng 40% năm 2020 và 20% năm 2019.

Cụ thể, tổng thị trường ước đạt gần 15 triệu lượt khách, trong đó thị trường quốc tế là hơn 400 nghìn lượt khách, bằng 1,3% năm 2019, và thị trường nội địa là 14,4 triệu lượt khách, xấp xỉ 39% năm 2019.

IATA và các tổ chức quốc tế dự báo, thị trường hàng không sẽ phục hồi khoảng 88% so với năm 2019 trong năm 2022 và phục hồi hoàn toàn vào năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của các thị trường khác nhau, phụ thuộc vào tiến độ tiêm vaccine và kế hoạch mở cửa của các quốc gia.

Theo đó, năm 2022, khu vực châu Á sẽ có tốc độ hồi phục chậm, khoảng trên 20%, thấp hơn so với mức 65-75% của châu Mỹ và châu Âu do ảnh hưởng của tốc độ tiêm vaccine và các chính sách kiểm soát của các quốc gia châu Á.

Hiện tại, việc triển khai tiêm vaccine, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 và nâng cao nhận thức cho người dân để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đã có những bước tiến ở cả Việt Nam và nhiều nước trên thế giới nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá các biến chủng mới hiện nay có khả năng lây truyền mạnh, kháng vaccine nên nguy hiểm và khó kiểm soát hơn.

WHO cũng cảnh báo sẽ còn xuất hiện thêm các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 trong tương lai (biến chủng Omicron là một ví dụ). Do vậy, thách thức mà ngành y tế cũng như hàng không phải đối mặt trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều.

Đề xuất loạt hỗ trợ

Trước những khó khăn trên, Vietnam Airlines đề xuất, khó khăn mấu chốt mà ngành hàng không phải đối mặt hiện nay nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch COVID-19. Do đó, kể cả khi thực hiện tất cả giải pháp nội lực và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, với tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài như hiện tại, ngành hàng không chắc chắn sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục.

Đứng trước tình hình đó, các hãng hàng không đều hy vọng Nhà nước tiếp tục có những quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp, chuẩn bị hướng tới giai đoạn phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19.

Trong đó, điều tiết thị trường hàng không để hướng đến sự khôi phục, phát triển bền vững là rất quan trọng.

Một số vấn đề liên quan và mang tính cấp thiết hiện nay có thể kể đến như: xem xét phê duyệt cấp phép kinh doanh vận tải hàng không cho hãng hàng không mới và cấp đăng ký tàu bay bổ sung phù hợp với khả năng vận hành của các hãng, năng lực hạ tầng sân bay và tốc độ tăng trưởng của thị trường; điều tiết giá vé phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không, chống bán phá giá để đảm bảo các hãng cạnh tranh lành mạnh, không làm suy yếu và triệt tiêu lẫn nhau nhằm bảo vệ năng lực chung của cả ngành hàng không Việt Nam trước các hãng nước ngoài; cân đối giá vé máy bay với giá các loại hình vận tải khác.

Ngoài ra, cần mở cửa có lộ trình đối với các hãng hàng không nước ngoài để bảo vệ các hãng hàng không trong nước.

Các cơ quan nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét duy trì và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực tài chính, duy trì hoạt động liên tục và tạo đà phát triển cho các hãng hàng không thông như hỗ trợ giảm thuế phí nộp ngân sách nhà nước, giảm thêm về thuế bảo vệ môi trường, giảm giá dịch vụ điều hành bay và dịch vụ cảng hàng không.

Cùng với đó, hỗ trợ người lao động bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, miễn giảm các khoản vay bảo lãnh Chính phủ.

Điều kiện căn bản nhất để ngành hàng không có cơ hội phục hồi là tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch hiệu quả. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước cần có sự chung tay phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực hàng không để có chính sách riêng cho lĩnh vực này nhằm xây dựng sản phẩm dịch vụ an toàn, đồng thời cần có hướng dẫn, quy định rõ ràng về lộ trình mở cửa đường bay theo từng giai đoạn để các hãng chủ động xây dựng kế hoạch khai thác, hạn chế tình trạng mở bán vé ồ ạt hay giảm giá vé sâu làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các hãng và lợi ích của khách hàng.

Các cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, để quản lý tiêu chuẩn phòng chống dịch, đồng bộ hóa và kiểm soát dữ liệu tiêm chủng hiệu quả nhằm tối ưu công tác quản lý của các cơ quan cũng như hãng hàng không, giúp khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin, tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn trong quá trình đi máy bay và trải nghiệm dịch vụ.

Đối với Vietnam Airlines, hãng này đề xuất cần có các phương án tạo điều kiện cho hãng thực hiện vai trò chủ lực của doanh nghiệp nhà nước và của Hãng hàng không Quốc gia trong lĩnh vực hàng không, thực hiện được các chiến lược kinh doanh và đầu tư đã hoạch định, đóng góp xứng đáng trong sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Vietnam Airlines nói riêng, và các hãng hàng không nội địa nói chung không chỉ để bảo vệ thị trường và phát triển ngành hàng không trong nước bền vững mà còn giúp bảo toàn năng lực của ngành hàng không Việt Nam trên trường quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của quốc gia nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước.

Tin mới

Nếu về Việt Nam, đây có thể là "kẻ soán ngôi" Honda Vision: Thiết kế siêu xịn, trang bị vượt trội
19 giờ trước
Không chỉ có thiết kế cực đẹp mẫu xe ga này còn sở hữu nhiều trang bị vượt trội so với Honda Vision.
Ứng dụng giúp việc nhà "hốt" bạc
19 giờ trước
Dịch vụ gọi giúp việc nhà qua ứng dụng (app) ngày càng được ưa chuộng khi người dùng bận rộn và chịu nhiều áp lực với công việc hơn.
Xuất khẩu nông sản dự kiến đạt kỷ lục 62 tỷ USD
20 giờ trước
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt hơn 51,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Với đà này, dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ đạt kỷ lục 62 tỷ USD trong năm nay.
Giá xăng dầu hôm nay 25/11: Bật tăng đồng loạt phiên đầu tuần
20 giờ trước
Giá xăng dầu hôm nay 25/11: Thị trường dầu thô thế giới mở phiên đầu tuần mới tăng giá đồng loạt với mức tăng từ 0,2% theo ngày.
Giá vé máy bay Tết cao ngất, nhiều gia đình thuê xe tự lái về quê
21 giờ trước
Do giá vé máy bay Tết cao ngất ngưởng, nhiều gia đình lựa chọn phương án thuê xe tự lái để về quê, chủ động đi lại và tiết giảm chi phí.

Tin cùng chuyên mục

App gọi xe nhỏ chật vật tìm đường sống
1 ngày trước
Dù nỗ lực bám trụ thị trường nhưng các ứng dụng gọi xe nhỏ lẻ vẫn khó có cơ hội bứt phá
Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
2 ngày trước
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.
Giá USD hôm nay 23/11: Tăng không ngừng, tỷ giá "chợ đen" đảo chiều giảm
2 ngày trước
Giá USD hôm nay 23/11 trên thế giới tăng không ngừng, có thời điểm chạm mức 108. Trong nước, giá USD ngân hàng bán ra cộng thêm 5 đồng, trong khi tỷ giá "chợ đen" diễn biến lạ.
Bán 60.000 iPhone thu 2.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng, điều gì giúp TopZone 'on top' thị trường?
2 ngày trước
TopZone tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ ủy quyền cao cấp nhất của Apple với doanh thu chuỗi chương trình mở bán iPhone 16 nhanh chóng đạt 2.000 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả của chiến lược chú trọng vào trải nghiệm khách hàng của thương hiệu.