Theo Cục Hàng không, từ ngày 8/8, UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó có thực hiện nghiêm quy định “3 tại chỗ”.
Với chỉ đạo trên, nhân viên phục vụ các chuyến bay quốc tế tại sân bay Nội Bài cũng buộc phải ăn, ở ngay tại sân bay mới đạt điều kiện để hoạt động.
Do đó, Ủy ban các hãng hàng không nước ngoài (AOC) đã trình bày với Cục Hàng không về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực quy định “3 tại chỗ” như trên. Theo đó, các hãng chỉ khai thác rất hạn chế chuyến bay chở khách quốc tế đi/đến sân bay Nội bài (2-4 chuyến/tuần), mỗi ngày 1 chuyến, cách 2-3 ngày mới bay 1 lần. Nên rất khó khăn để bố trí “3 tại chỗ” cho 3 nhân viên phục vụ các chuyến bay này tại sân bay Nội Bài (hoặc điểm ăn, nghỉ tập trung).
Hiện các hoạt động tại sân bay Nội Bài đang thực hiện theo quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế, Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO), Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA); quy định phòng chống dịch của các hãng còn cao hơn yêu cầu chung. Toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay Nội Bài đều đã được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc-xin phòng COVID-19.
Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM cũng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng nhân viên phục vụ tại sân bay này vẫn được địa phương tạo điều kiện đi lại từ nhà tới sân bay làm việc theo lịch bay, kể cả khung giờ đêm.
Do đó, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT trao đổi với UBND TP.Hà Nội có hướng dẫn, tạo điều cho nhân viên phục vụ các chuyến bay quốc tế tại sân bay Nội Bài không phải áp dụng “3 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, khách đi/đến trên các chuyến bay quốc tế khi di chuyển giữa sân bay và nơi ở cũng gặp nhiều khó khăn khi phải đi ô tô qua địa bàn các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 (chủ yếu qua sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất). Thậm chí tài xế chở khách đi/đến sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất khi trở về địa phương còn phải cách ly tập trung 14 ngày do “đến/đi từ vùng dịch”.