Vận chuyển hàng hóa phục hồi nhanh và đã có sự tăng trưởng so với năm 2019, trong khi vận chuyển hành khách phục hồi chậm hơn; thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước đại dịch còn thị trường quốc tế lại phục hồi chậm; sản lượng vận chuyển hàng không của các hãng hàng không Việt Nam đã phục hồi và có sự tăng trưởng nhất định nhưng doanh thu không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm do chi phí đầu vào tăng...
Nhiều ý kiến của các chuyên gia nhận định sự phục hồi của các DN vận tải hàng không trong chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới, ảnh hưởng mạnh tới khả năng điều tiết giá cả một cách hiệu quả của các hãng bay, cũng như toàn thị trường.
Do đó, VABA đề xuất để hỗ trợ các DN hàng không có thể nhanh chóng phục hồi, phát triển, nâng cao năng lực, vị thế, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan; có chính sách tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công - tư hỗn hợp để đa dạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng; đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà Việt Nam chưa khai thác; rà soát, đánh giá toàn diện tác động từ các chính sách của nhà nước đối với ngành hàng không và hoàn thiện hệ thống chính sách kịp thời.
Đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet... và các chuyên gia hàng không, chuyên gia kinh tế chỉ ra sự bất cập trong quy định áp khung giá trần với giá vé máy bay hiện nay. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, kiến nghị về dài hạn, cần xem xét gỡ bỏ khung giá trần trên các đường bay có tối thiểu 2 hãng bay tham gia khai thác tại Luật Hàng không dân dụng và Luật Giá.
Trước mắt, khi chưa sửa luật, Bộ Giao thông Vận tải cần sớm vận dụng nguyên tắc điều chỉnh nâng giá trần theo quy định: "Khi các yếu tố hình thành giá trong nước và giá thế giới có biến động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh thì Bộ Giao thông Vận tải kịp thời xem xét, điều chỉnh giá. Các tổ chức, cá nhân có quyền kiến nghị điều chỉnh mức giá theo quy định của pháp luật".
Bên cạnh đợt điều chỉnh căn bản nêu trên, để đối phó với các diễn biến giá nhiên liệu phức tạp trong tương lai, Bộ Giao thông Vận tải có thể xem xét cơ chế phụ thu nhiên liệu trên thị trường nội địa khi giá nhiên liệu thay đổi 20% so với giá cơ sở được sử dụng để xác định khung giá trần. Điều này tạo điều kiện cho phép các hãng được ứng phó linh hoạt hơn khi giá nhiên liệu tăng được áp phụ thu và giá nhiên liệu giảm sẽ không áp phụ thu.
Ông Quân khẳng định bỏ giá trần, nâng giá trần sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà là cơ hội để đa dạng các mức giá, bù đắp chi phí đầu vào phát sinh, làm thị trường vận tải hàng không phát triển lành mạnh.