Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa chính thức có bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số giải pháp khẩn cấp, mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề, số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không, gồm: Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã lên tới 36.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng.
Năm 2021, đợt bùng phát dịch COVID019 lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết và hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5 và 6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020), khiến các hãng càng suy kiệt.
“Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không được đề ra kịp thời nhưng còn thiếu và chậm triển khai...”, ông Nề cho biết.
Trước đó, trong năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng. Lỗ từ hoạt động hàng không của 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo lên tới 16.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của VABA, hiện doanh thu của các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu và đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền. Vì thế, các hãng bay rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay, các cơ chế chính sách của Nhà nước để vượt qua đại dịch COVID-19.
“Thông tư 04/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, VABA đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000-6.000 tỷ đồng tương tự như Vietnam Airlines, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóp góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản”, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng không Việt Nam kiến nghị.
VABA cũng đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển. Đồng thời cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo Nghị quyết số 84 ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, VABA đề nghị cho phép áp dụng mức ưu đãi như nội dung Thông tư 19/2020 của Bộ GTVT từ 1/1/2021 đến 30/6/2022 đồng thời giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga cho khách bay để góp phần kích cầu bay du lịch; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022.
Một số đề xuất khác được VABA nhắc đến gồm giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn cho các hãng hàng không. Cụ thể là, cho phép áp dụng mức giảm 70% thuế từ 3.000 đồng/lít Jet A1 xuống còn gần 1.000 đồng/lít cho các hãng hàng không đến 30/6/2022; Tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không…
Sớm cho áp dụng “hộ chiếu vaccine" để cứu hàng không?
Nhấn mạnh giải pháp sớm triển khai tiêm vaccine trên diện rộng và xem xét sử dụng “hộ chiếu vaccine”, VABA đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine; từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vaccine đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
“Hiện Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia đã cho phép bay quốc tế không áp dụng cách ly đối với khách đã có ‘hộ chiếu vaccine’. Nhiều hãng hàng không, ngành du lịch và kinh tế của nhiều quốc gia đang phục hồi, phát triển nhanh chóng do tiêm vaccine trên diện rộng và áp dụng hộ chiếu vaccine, qua đó cũng tăng năng lực cạnh tranh cho ngành hàng không và du lịch quốc tế”, ông Nề cho hay.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tất cả các quốc gia nền kinh tế thế giới và đặc biệt có ngành hàng không. Đến nay, theo ước đoán của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thiệt hại hàng không toàn cầu đã lên trên 200 tỷ USD.
Ông Thắng cũng thừa nhận đối với hãng hàng không Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi hiện có 250 chiếc tàu bay, trong dịch COVID-19 chỉ khai thác 1-2% đội bay, Hiện nay, hàng không Việt Nam chỉ khôi phục được một phần và còn khoảng 70-80% đội tàu bay vẫn đang nằm đất.
Nhấn mạnh trong giai đoạn vừa qua, các hãng hàng không đã tham gia hết sức tích cực, nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT về công tác phòng chống dịch, Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways không chỉ thực hiện dừng bay, giãn cách ghế ngồi hành khách, các biện pháp phòng ngừa y tế nhưng cũng tích cực tham gia nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao như vận chuyển đồng bào từ nước ngoài về nước, vận chuyển hàng cứu trợ, trang thiết bị vật phẩm y tế phòng chống dịch.
Người đứng đầu Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, việc sớm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ là rất cấp bách. Đồng thời, Cục này cũng kiến nghị cơ chế áp dụng hộ chiếu vaccine với khách nhập cảnh.
Cũng theo Cục Hàng không Việt NaN, hiện Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai hộ chiếu vaccine tại Việt Nam cũng như đòi hỏi cần có những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh Việt Nam.
Thông tin thêm, Cục Hàng không cho hay: "Khái niệm “hộ chiếu vaccine", hay một loạt các khái niệm khác liên quan như "digital green pass", “green pass" có thể được hiểu là ghi chép về dữ liệu sức khỏe cá nhân, bao gồm tài liệu, giấy tờ chứng minh đã tiêm vaccine hay đã có chứng nhận xét nghiệm âm tính, được xác thực trên nền tảng số".
“Việc tiêm vaccine có thể phòng chống dịch bệnh về lâu dài tuy nhiên để có thể khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế thường lệ một cách nhanh chóng, cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc đã có xét nghiệm âm tính. Sử dụng hộ chiếu vaccine, kết hợp với việc hành khách có kết quả xét nghiệm PCR âm tính là giải pháp hữu hiệu để có thể khởi động lại thị trường vận tải hàng không quốc tế thường lệ”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nói và cho biết, việc sử dụng dữ liệu điện tử sẽ hạn chế việc làm giả dữ liệu./.