Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản, trong đó nêu rõ ý kiến từ các Bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
"Ý kiến chung của các Bộ, ngành đưa ra đều cho rằng đề xuất của Tổng công ty ĐSVN về việc nhập khẩu và khai thác toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản là không đúng với quy định của Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/20218 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đường sắt.
Các Bộ, ngành đề nghị Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, báo cáo cũng nêu rõ việc Tổng Công ty ĐSVN chưa được đánh giá một cách cụ thể, chi tiết về các nội dung về tình trạng kỹ thuật an toàn, chi phí hoán cải, hiệu quả đầu tư, kế hoạch dự kiến vận hành, công tác vận hành, bảo trì, giải pháp xử lý nếu các toa xe không đáp ứng quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Việt Nam..." - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết nếu được nhập khẩu về, đây sẽ là công nghệ mới nhất đối với các đoàn tàu đường sắt Việt Nam hiện nay bởi những toa tàu này chưa từng được khai thác ở Việt Nam trước đây. Ảnh: ⒸJR-EAST
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu những toa xe sản xuất từ năm 1979 - 1982 cũng sẽ có những ảnh hưởng, tác động đến môi trường nếu vận hành tại Việt Nam, việc nhập khẩu các phương tiện đã sử dụng quá lâu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nghề này trong nước.
Trước đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã cho ý kiến về vấn đề này.
"Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng nhận thức được vấn đề là việc nhập khẩu 37 toa xe nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam về niên hạn sử dụng được phép nhập khẩu đối với phương tiện đường sắt. Vì vậy, với mong muốn rằng dự án này là hoạt động tượng trưng cho mối quan hệ hữu nghị Nhật Bản và Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn Việt Nam chấp thuận cho phép Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhập khẩu 37 toa xe để khai thác vận hành" - Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.
Trên cơ sở đề xuất của Tổng công ty ĐSVN, tổng hợp ý kiến của các Bộ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ GTVT kết luận như sau:
"37 toa xe nêu trên vừa không được phép nhập khẩu do có năm sản xuất quá 10 năm và vừa không được phép vận hành khai thác tại Việt Nam do đã có niên hạn sử dụng quá 40 năm" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Đề xuất việc cho phép nhập khẩu, khai thác sử dụng 37 toa xe tự hành diesel DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản, được sản xuất từ năm 1979-1982 của Tổng Công ty ĐSVN mặc dù trong báo cáo có nêu một số lợi ích nhất định, tuy nhiên quy định của pháp luật đã rõ ràng, do vậy Bộ GTVT không ủng hộ việc nhập khẩu và khai thác sử dụng 37 toa xe đã qua sử dụng (từ 39-42 năm) tại Việt Nam.
Toa tàu 40 năm nhưng vẫn hiện đại hơn tàu ở Việt Nam?
Trước đó, ông Vũ Anh Minh (Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết, Tổng công ty Đường sắt đã có văn bản đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc nhập 37 toa tàu cũ 40 năm của Nhật Bản.
Trao đổi với báo chí, ông Minh cho hay, các toa tàu cũ của Nhật Bản có thể vận hành thêm 15 năm nữa ở Việt Nam. Dự án nhập 37 với 140 tỷ chi phí vận chuyển và hoán cải sẽ hoàn vốn sau 7 năm. Như vậy, đây là một bài toán rất có lợi cho Việt Nam.
Ông Minh cũng cho rằng, các toa tàu này hiện đại hơn nhiều so với những toa tàu hiện hữu ở Việt Nam. Các toa tàu này có thể tự hành, dù chỉ 1 toa vẫn có thể tự chạy trên đường sắt. Như vậy, Tổng công ty Đường sắt có thể khai thác linh hoạt, áp dụng ở các cung đường sắt ngắn, lưu lượng khách ít.
"Chi phí đóng mới 1 toa tàu của Nhật Bản là hơn 30 tỷ đồng, 37 toa sẽ hết hơn 11 nghìn tỷ", ông Minh chia sẻ. Trong khi đó, nếu nhập cũ, chúng ta hoàn toàn không mất chi phí mua sắm. Các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… cũng đã từng nhận các toa tàu cũ của Nhật Bản.