Phiên giao dịch 12/7 tiếp tục ghi nhận đà giảm sốc của thị trường, chỉ số VN-Index có lúc đã đánh rơi đến 78 điểm. Nhà đầu tư hoảng hốt khi liên tục dính “bull trap”, cứ bắt đáy lại thấy đáy mới.
Nhìn lại cú điều chỉnh lịch sử này, khởi đầu cho nhịp rơi chưa thấy đáy của VN-Index chính là phiên giao dịch ngày 5/7 – trùng với thời điểm thị trường được "thay áo". Cụ thể, 5/7 là ngày hệ thống giao dịch mới do FPT đứng ra "giải cứu" tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE chính thức vận hành. Tính đến nay, sau đúng một tuần giao dịch kể từ ngày HoSE “thông sàn”, liên tiếp những phiên giảm điểm sau đã ‘thổi bay” đi hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn hóa của thị trường Việt. Chỉ số VN-Index đã mất đi tổng cộng 123,97 điểm, tương ứng với mức giảm 8,73%.
Nếu coi mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng 6%/năm là một thước đo, thì mới chỉ qua 6 phiên giao dịch nhưng đã có hơn 250 mã cổ phiếu đã ghi nhận mức giảm lớn hơn mức lãi tiết kiệm trong cả một năm trời. Thậm chí, hàng chục mã cổ phiếu đã cuốn phăng đi khoản tiền ngang với tiền lãi của nhiều năm gửi tiết kiệm.
Top 20 mã giảm điểm mạnh nhất từ 5/7 - 12/7
"Xót xa" nhất trong tuần qua có lẽ là các nhà đầu tư nắm giữ mã cổ phiếu SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín. Sáu phiên giao dịch chìm trong đà giảm liên tiếp thì có tới 2 phiên giảm sàn, thị giá SCR đã mất đi 26,14% về mặt giá trị. Vừa bắt đầu bật tăng tím trần trong vài phiên từ cuối tháng 5, rồi đi lên khỏi vùng thị giá dưới mệnh từ vài phiên đầu tháng 6, SCR đã bị “đạp” trở lại vùng cũ, chốt phiên 12/7 tại mức 8.790 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường giảm đến hơn 1.000 tỷ đồng, hiện ở mức 3.444 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu SCR 6 tháng gần đây
Xếp phía sau, hàng loạt cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC trong tuần qua đã giảm rất mạnh trên ngưỡng 20%, phiên 12/7 đồng loạt nằm sàn. Cụ thể, cổ phiếu AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone giảm đến 26,1% về mặt thị giá, trong đó phiên 12/7 giảm sàn 6,9% xuống mức 3.770 đồng/đơn vị. Thực chất, đà giảm của AMD đã bắt đầu từ cuối tháng 4, kể từ đỉnh 4 năm (7.800 đồng/cổ phiếu, phiên 23/4), đến nay đã mất đi nửa giá trị vốn hóa trên thị trường.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC FAROS đã giảm 24,2% trong vòng 6 phiên giao dịch. Từ phiên 23/6 đến nay, ROS nếu không chìm trong sắc đỏ thì sẽ là giảm kịch sàn, phiên 12/7 tiếp tục giảm sàn xuống 4.830 đồng/cổ phiếu, Chính cổ phiếu FLC cũng đã mất đi 20,31% giá trị từ 5/7 tới nay, vốn hóa "bay" mất gần 1.350 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu ROS 6 tháng gần đây
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng không thể trụ vững trong tuần giao dịch đầy biến động này. Những mã cổ phiếu tưởng như vững chắc lại lao dốc rồi liên tiếp đâm thủng các vùng đáy hỗ trợ. Có thể kể đến như IJC của Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật ghi nhận mức giảm 23,74%, HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng đánh mất 22,17% giá trị, KBC của Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã giảm đến 21,82% về mặt thị giá.
Ngoài ra, áp lực xả mạnh các mã trong nhóm VN30 đã khiến thị trường mất đi trụ đỡ. Duy nhất 3 mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng trưởng dương trong tuần qua, đó là mã MWG của Thế giới Di Động với mức tăng mạnh nhất cả rổ, đạt 12,62%. Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan cũng đã tăng 5,26% về giá trị, đóng cửa phiên 12/7 tại mức giá đỉnh lịch sử 119.900 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, thị giá PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 2,61% mặc dù 3 phiên liên tiếp gần đây nhất đã đóng cửa trong sắc đỏ.
Ngoài 3 mã cổ phiếu trên, 27 mã chứng khoán còn lại trong rổ VN30 đã ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 6 phiên giao dịch từ 5-12/7. Đà giảm mạnh nhất là mã cổ phiếu SBT của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa với mức giảm 19,8%, vốn hóa bốc hơi hơn 940 tỷ đồng. Trong phiên 12/7, SBT giảm sàn 1,25 điểm xuống mức 16.850 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu SBT 6 tháng gần đây
Mức giảm mạnh trên 14% còn có cổ phiếu POW (-15,42%), BVH (-14,9%), VRE (-14,83%), SSI (-14,51%), TCH (-14,19%), HPG (-14,06%).
Nhóm cổ phiếu “vua” sau đà tăng nóng bỏng tay, thị giá tăng bằng lần cũng đã quay đầu vào nhịp điều chỉnh giảm. Ông lớn VCB sau 6 phiên đã mất đến 7,8 điểm, tương ứng mức sụt giảm 6,8% về mặt thị giá. Mã BID cũng mất hơn 10,7% giá trị, trong 6 phiên thì ghi nhận 4 phiên BID đóng cửa chìm trong sắc đỏ, chốt phiên 12/7 tại mức 42.000 đồng/cổ phiếu.
Với mã CTG, đây dường như là một trong những cổ phiếu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi thị giá đánh mất gần 14,3%, đồng nghĩa với việc bốc hơi đến hơn 28.000 tỷ đồng (1,2 tỷ USD). Khối ngoại thời gian gần đây cũng mạnh tay "xả" lượng lớn cổ phiếu CTG với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Thị giá CTG chìm trong sắc đỏ trong suốt 1 tuần giao dịch qua, trong đó 2 phiên nằm sàn là ngày 6 và 12, hiện ở mức 35.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu CTG 6 tháng gần đây
Danh sách các mã giảm điểm mạnh nhất tuần qua có sự góp mặt của một vài cổ phiếu penny. Theo đó, cổ phiếu DAH của Tập đoàn Khách sạn Đông Á, tính từ phiên 28/6 đã bắt đầu rơi thẳng đứng, nằm sàn liên tiếp nhiều phiên. Đóng cửa ngày giao dịch 12/7, thị giá DAH ghi nhận nằm sàn tại mức 7.230 đồng/cổ phiếu, tính trong 6 phiên giao dịch gần nhất mất hơn 24,9% giá trị.
Cổ phiếu HAI của Nông dược HAI giảm 22,84% về thị giá, phiên 12/7 là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu lau sàn, lao dốc xuống mức 3.210 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu Mía đường Lam Sơn (LSS) sau đà tăng trần trong nửa cuối tháng 6 đã quay đầu sụt giảm đến 21,2% giá trị, vốn hóa thị trường hiện tại chỉ còn khoảng hơn 621 tỷ đồng.