Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm Covid-19 thứ 2, đặc biệt là quý III khiến hoạt động kinh doanh của đại bộ phận doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp ngược dòng, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong năm 2021.
Hưởng lợi từ nhu cầu hồi phục và giá dầu tăng, Lọc hóa dầu Bình Sơn ( UPCoM: BSR ) thông báo doanh thu năm 2021 đạt 100.694 tỷ đồng, tăng 74% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2021 đạt 6.026 tỷ đồng, cao nhất kể từ sau cổ phần hóa (2018) và cải thiện nhiều so với mức lỗ 2.812 tỷ đồng năm 2020. Riêng quý IV, Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt doanh thu hơn 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận 1.959 tỷ đồng, lần lượt gấp đôi và tăng 58% so với quý IV/2020.
Đơn vị: tỷ đồng
Doanh nghiệp cho biết dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong quý III/2021 đã làm cho nhu cầu tiêu thụ tiêu thụ xăng dầu của nhà máy giảm mạnh, nhà máy lọc dầu Dung Quất buộc phải giảm công suất về ngưỡng tối thiểu để vận hành nhằm tránh tồn kho tăng cao. Song, đầu quý IV, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, cùng với Nghị quyết số 128 của Chính phủ thích ứng với Covid-19 trong tình hình mới, sức tiêu thụ của thị trường tăng lên đáng kể. BSR đã tăng công suất nhà máy, có thời điểm nhà máy Dung Quất hoạt động ở công suất 108% - ngang bằng công suất trước khi các đợt dịch xảy ra. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ trong quý IV tăng. Tính chung cả năm, BSR đạt và vượt kế hoạch sản lượng đề ra là 6,5 triệu tấn.
Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC ) - đơn vị thành viên của Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021 (có hợp nhất công ty thành viên Khang An) cao nhất trong 26 năm hình thành. Cụ thể, doanh số chung đạt 213 triệu USD (khoảng 4.835 tỷ đồng), tăng 12% và lợi nhuận ước trên 280 tỷ đồng, tăng trên 18% so năm trước.
Đơn vị: tỷ đồng |
Theo Sao Ta, năm 2021 là năm nuôi tôm thành công nhất trong lịch sử 10 năm theo đuổi nuôi tôm của doanh nghiệp. Song, dịch bệnh Covid-19 khiến chi phí thuê container rỗng giao hàng thị trường xa tăng mạnh, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nếu các năm trước ba mảng hoạt động chính là chế biến tôm, chế biến nông sản, nuôi tôm song hành tạo ra lợi nhuận, riêng năm nay mảng nuôi tôm là lá cờ đầu và bù đắp cho mảng chế biến.
Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, HoSE: BWE ) thông báo năm 2021, tổng doanh thu 3.572 tỷ đồng, tăng 7% và hoàn thành kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 738 tỷ đồng, tăng 40% và vượt 34% kế hoạch năm. Đây là kết quả kinh doanh kỷ lục của Biwase. Riêng quý IV, lợi nhuận sau thuế đạt 232 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị: tỷ đồng |
Trong năm trước, Biwase đã tập trung mở rộng các nhà máy nước, chuẩn bị đón đầu phát triển kinh doanh sau dịch. Doanh nghiệp thông tin công tác đầu tư xây dựng được thực hiện đúng tiến độ, sau khi hoàn thiện hệ thống, vận hành ổn định đã nâng cấp công suất Nhà máy nước Tân Hiệp, Tân Uyên, Uyên Hưng, Bàu Bàng, Chơn Thành (Bình Phước) từ 550.000 lên 760.000 m3/ngày/đêm.
Ông Đặng Triệu Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ ( HoSE: STK ) cho biết doanh năm 2021 ước đạt 2.040 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2020 và thực hiện 87% kế hoạch năm. Song, lợi nhuận sau thuế đạt 260 tỷ, tăng 81% và vượt kế hoạch 5%, đây là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay. So với trước dịch (2019), doanh thu còn thấp hơn nhưng lợi nhuận đã vượt xa.
Đơn vị: tỷ đồng |
Nguyên nhân kết quả kinh doanh Sợi Thế Kỷ tăng cao năm vừa qua là ngành sợi polyester filament diễn biến tương đối thuận lợi khi nhu cầu tăng cao và giá bán tăng. Trong quý III, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh số doanh nghiệp sợi bị ảnh hưởng đến quý IV đã khôi phục trở lại. Mặt khác, năm qua, Sợi Thế Kỷ đã tăng tỷ trọng sợi tái chế và các loại sợi có tính năng đặc biệt như sợi màu (dope dyed), sợi CD trong tổng doanh thu, đây là những loại sợi có giá trị gia tăng cao nên lợi nhuận đạt tốc độ tăng mạnh hơn doanh thu.
Công ty cổ phần Thủy điện miền Nam ( HoSE: SHP ) công bố doanh thu thuần năm 2021 tăng 53% lên 658 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gấp 4 lần lên 265 tỷ đồng – lập kỷ lục mới. Doanh nghiệp lý giải sản lượng trong năm 2021 tăng 49% cùng giá bán điện bình quân tăng gần 3%. Trong quý III năm 2020, nhà máy Đa M’bri ngừng vận hành để sửa chữa.
Đơn vị: tỷ đồng |
Riêng quý IV, doanh thu thuần đạt 218 tỷ đồng, tăng 32% nhờ mùa mưa hết muộn, sản lượng phát điện trong quý IV tăng 25%. Đồng thời, giá bán điện bình quân quý IV cũng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước từ 948 đồng/kWh lên 997 đồng/kWh. Các chi phí tăng không đáng kể, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thủy điện đạt 96 tỷ đồng, tăng 48%.
Licogi 14 ( HNX: L14 ) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2021 đạt mức cao nhất kể từ khi hoạt động. Cụ thể, tổng doanh thu ước đạt hơn 578 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 436 tỷ, lần lượt gấp hơn 4 lần và gấp 10,6 lần thực hiện năm 2020. Riêng quý IV, doanh thu và lợi nhuận cùng đạt mức đột biến lần lượt là 468 tỷ và 378 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng |
HĐQT thông tin trong năm 2021 đã tiến hành tái cấu trúc Công ty Licogi 14.6 thành Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Licogi 14 thành công, thành lập hội đồng đầu tư để tham mưu, tư vấn HĐQT cùng Ban giám đốc có các quyết định đầu tư tài chính bứt phá, góp phần đem lại hiệu quả đầu tư, tăng doanh thu, lợi nhuận khi hợp nhất.
Đạm Cà Mau ( HoSE: DCM ) công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu 10.011 tỷ đồng, tăng 30%; lợi nhuận sau thuế 1.823 tỷ, gấp 2,7 lần so với thực hiện năm 2020 – ghi nhận kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Lợi nhuận doanh nghiệp phân bón khởi sắc xuất phát từ việc giá bán sản phẩm ure liên tục tăng thời gian qua.
Đơn vị: tỷ đồng |
Tương tự, Đạm Phú Mỹ ( HoSE: DPM ) cũng công bố tổng doanh thu năm 2021 ước 12.826 tỷ đồng, tăng 63%; lợi nhuận trước thuế 3.600 tỷ đồng, gấp 4,2 lần thực hiện năm 2020 và lập kỷ lục mới. Xét riêng trong quý IV, doanh thu ước 5.013 tỷ đồng, tăng 195% và lợi nhuận trước thuế khoảng 1.810 tỷ đồng, gấp hơn 16 lần so với quý IV/2020.
Đơn vị: tỷ đồng |
Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, HoSE: PET ) công bố ước doanh thu thuần hợp nhất năm 2021 đạt 16.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 360 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 23% và 74% so với năm 2020. Đây cũng là kết quả lợi nhuận cao nhất của công ty kể từ năm 2012. Tính riêng trong quý IV, đơn vị đạt 5.315 tỷ đồng doanh thu và 122 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 24% và gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái
Theo Petrosetco, điểm sáng trong năm chính là sự tăng trưởng của mảng phân phối sản phẩm điện thoại, laptop, các thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, dù một số dự án, công trình của khách hàng bị ngưng hoạt động dẫn tới sụt giảm nguồn thu dịch vụ, nhưng công ty đã tiếp tục phát triển ra ngoài ngành, trúng thầu các dự án mới và bù đắp được sự sụt giảm.
Tổng Công ty Viglacera ( HoSE: VGC ) thông báo lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty năm 2021 ước đạt 1.575 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2020 và ghi nhận là mức cao nhất kể từ khi thành lập.