Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận dẫn chứng, trước năm 2007 nơi đây chỉ có quy hoạch tuyến điểm du lịch của ngành du lịch, chưa có quy hoạch xây dựng chung. Điều này khiến cho các dự án khu du lịch cao cấp tại khu vực Kê Gà - Hòn Lan không thể triển khai thiết kế chi tiết được vì không xác định được nền và hướng thoát nước.
Còn giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2017, dù có quy hoạch xây dựng chung nhưng lại được định hướng nhằm phục vụ công nghiệp bau-xit. Thế nên toàn bộ khu vực Kê Gà - Hòn Lan chủ yếu được bố trí các hạng mục: cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp, khu công nghiệp phụ trợ, kho bãi, hệ thống đường sắt, tổng ga đường sắt…do Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) làm chủ đầu tư.
Kiểu quy hoạch nêu trên hoàn toàn không thích hợp cho hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cao cấp, vì vậy buộc chủ đầu tư lập lại thiết kế gần như mới toàn bộ cho dự án do phải thay đổi đối tượng khách hàng mục tiêu, rồi điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thêm nữa là thỏa thuận lại từ đầu với cổ đông và các đối tác về việc huy động vốn đầu tư…
Sau khi dự án cảng Kê Gà bị bãi bỏ (2013), gần đây đã có những tín hiệu hồi sinh tích cực. Nhiều nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã trở lại vùng biển này, nhiều khu du lịch, resort đang xây dựng, một số cơ sở đã khởi sắc, các nhà đầu tư đang sốt ruột chờ cơ hội mới khi có sân bay Phan Thiết và đường cao tốc.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, không riêng 13 dự án ảnh hưởng bởi quy hoạch cảng của TKV, có tổng cộng 63 dự án trong khu vực cũng bị thiệt hại. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án chậm triển khai, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Riêng những chủ đầu tư xí đất, chậm triển khai quá thời hạn luật định, năng lực kém sẽ kiên quyết thu hồi.
Ông Hòa cho biết thêm khu vực Hàm Thuận Nam có lợi thế riêng và độc đáo thu hút đầu tư du lịch các nơi khác không có được. Trước hết là bãi biển dài vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ, yên bình, sạch và an toàn. Bên cạnh đó, nơi đây còn sở hữu nhiều di tích, thắng cảnh lịch sử như, núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ và tượng Phật nằm có chiều dài đến 49m, khu nghỉ dưỡng và chữa bệnh tại suối nước nóng Bưng Thị, bãi Đá nhảy, dinh Thầy Thím, ngọn hải đăng Kê Gà....
"Hàm Thuận Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng nhờ quỹ đất còn nhiều, giá đất còn mềm, quy hoạch bài bản, đồng bộ. Đặc biệt, động lực quan trọng tạo thuận lợi và hấp dẫn nhà đầu tư là tỉnh đang triển khai đầu tư mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà với tổng mức đầu tư xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Mục tiêu là kích cầu lượng khách trong nước và quốc tế, gia tăng chi tiêu, thích thú lưu trú lâu hơn và quay trở lại nhiều lần" - ông Hòa chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hàm Thuận Nam, trong 1 năm trở lại đây, khu vực huyện Hàm Thuận Nam có khoảng 10 dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn triển khai. Cũng theo vị này, có lẽ nguyên nhân chính tạo nên cơn sốt đất đang lan rộng trên toàn địa bàn tỉnh chính là sự xuất hiện đồng thời nhiều đại gia BĐS với những dự án quy mô khá lớn như Novaland, Hưng Thịnh Corp., FLC, Thắng Lợi và các tập đoàn đầu tư đến từ Dubai mới đây với một dự án tổ hợp nghỉ dưỡng hơn 15.000 tỷ đồng. Trong cuộc chạy đua này, 2 dự án NovaWorld và Thanh Long Bay được đánh giá có quy mô và đẳng cấp nổi trội.
Cụ thể, Thanh Long Bay tọa lạc tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, được quy hoạch với quy mô lên đến 90ha. Dự án bao gồm các loại hình BĐS nghỉ dưỡng như khu nhà phố thương mại biển, khu căn hộ biển, khu biệt thự biển và khách sạn. Cùng với hàng trăm tiện ích - dịch vụ chuẩn 5 sao, Thanh Long Bay là một trong số ít các dự án được quy hoạch Cảng du thuyền tại Bình Thuận, tương lai sẽ trở thành điểm hội tụ du thuyền của hội thuyền buồm quốc tế.
Còn với NovaWorld, đây là dự án được xây dựng theo mô hình tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí "tất cả trong một", quy mô gần 1.000ha của Tập đoàn Novaland. Dự án quy tụ đa dạng sản phẩm để đầu tư như biệt thự nghỉ dưỡng (grand villa, villa), nhà phố nghỉ dưỡng, shophouse... với tầm nhìn hướng ra khung cảnh biển, diện tích đất từ 100-240m2. Tại đây, chủ đầu tư dành 220ha để xây dựng trung tâm thể thao phức hợp gồm cụm sân golf 36 lỗ, khu thi đấu thể thao, công viên...
Một trong nhiều dự án nghìn tỷ đang được triển khai dọc bờ biển Kê Gà - Hòn Lan.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, thị trường bất động sản nhiều khu vực ven biển Bình Thuận (trải dài từ Kê Gà - Hòn Lan đến Mũi Né) hiện tại đang phản chiếu hình ảnh của Phú Quốc cách đây 6 năm. Trước khi có sân bay Phú Quốc là vùng đất hoang sơ, chỉ có đồi sim, rẫy tiêu. Năm 2013 Phú Quốc có sân bay, thị trường này đã lột xác.
Khi sân bay và cao tốc hoàn thành, cũng như các ông lớn đổ tiền vào vận hành các siêu dự án, thị trường BĐS Bình Thuận được dự báo sẽ bứt tốc thì giá nhà đất tại đây sẽ vươn lên ngang bằng với thị trường Nha Trang - Đà Nẵng - Phú Quốc.
Được biết, ngoài một hệ thống giao thông quy mô lớn như tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác nhiều năm qua, nay đang được đề xuất đầu tư mở rộng lên 10 làn xe thì tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2020. Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận, dự kiến trong quý 3/2019 dự án sân bay Phan Thiết sẽ được khởi công xây dựng.
Đến nay, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Phan Thiết với diện tích 543 ha. Trong đó, trước mắt Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy mô của sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 10.000 tỷ đồng. Biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
Song song đó, dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện đã được HĐND tỉnh Bình Thuận thông qua chủ trương đầu tư với quy mô chiều dài tuyến 32,45 km, có tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Dự án này cũng được Thủ tướng Chính phủ kết luận cho phép đầu tư tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận (theo Thông báo số 218, ngày 11/5/2017 của Văn phòng Chính phủ)…
Đến nay, địa phương đã hoàn thiện tất cả các bước đầu tư theo Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho dự án, tuy nhiên hiện vẫn chưa có nguồn vốn để khởi công. Do vậy UBND tỉnh vừa có công văn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Bình Thuận đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện bằng nguồn vốn dự phòng Trung ương của kế hoạch trung hạn từ năm 2015 đến năm 2020.
Bởi đây còn là công trình trọng điểm cấp bách của địa phương cần được xúc tiến xây dựng ngay, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và từng bước đầu tư hoàn chỉnh đường trục ven biển quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Một điểm đáng chú ý là vào ngày 18/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Theo Quy hoạch, Mũi Né sẽ trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030. Từ cơ sở này, UBND tỉnh Bình Thuận đang triển khai quy hoạch mở rộng Khu du lịch quốc gia tiến về hướng Nam, kéo dài từ Mủi Né đến Kê Gà (Hàm Thuận Nam), với quy mô rộng hơn 20.000ha.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ngay trong năm 2019 và những năm tiếp theo địa phương sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn quản lý du lịch chuyên nghiệp về Bình Thuận. Song song đó cũng tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là thúc đẩy triển khai sớm dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Nha Trang - Phan Thiết, các tuyến giao thông kết nối trực tiếp từ cao tốc đến những khu du lịch ven biển…